Đáng lẽ trên thực tế, động thái này của lãnh đạo Bộ GTVT đã phải diễn ra rất lâu, từ cả năm trước đây, khi các báo cáo của Bộ gửi lên Chính phủ nhiều lần chỉ ra tiến độ ì ạch của đại dự án sân bay này.
Song, sự chủ động muộn màng này của Bộ GTVT chỉ xảy ra khi có sự đôn đốc quyết liệt, chỉ rõ vấn đề của người đứng đầu Chính phủ. Không phải vì vô cớ, Thủ tướng đã chọn kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Long Thành là một trong những công việc đầu tiên ngay trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Bởi trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua, Đảng luôn xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Không đơn thuần là chuyến công tác khích lệ “vỗ tay” đầu năm, có rất nhiều thông điệp từ chuyến công du xuyên Việt 3 ngày tết với quãng đường tới 1.600 km của Thủ tướng và đoàn công tác. Chỉ rõ dự án Long Thành đang chậm, Thủ tướng nêu rõ các đầu việc cũng như khẳng định “ai không làm được thì đứng qua một bên”; với dự án cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng nói thẳng “Bộ GTVT đừng sợ phân cấp cho địa phương”, hay phải tránh tình trạng nhà thầu “quân xanh, quân đỏ”...
Hình ảnh tất bật trên các công trường giao thông rộng lớn từ Bắc vào Nam của Thủ tướng cũng có sức lan tỏa và khích lệ rất nhiều tới cán bộ, kỹ sư, công nhân đang miệt mài thi công xuyên tết. Chuyến kiểm tra tới 8 dự án trong 3 ngày và làm việc với nhiều địa phương dọc tuyến ngay trong những ngày tết của Thủ tướng cũng “đánh thức” tinh thần làm việc quyết liệt không ngày nghỉ tới chính những cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị trong đoàn công tác.
Sau đà phục hồi cuối năm 2021, kinh tế VN đang có nhiều thuận lợi để tăng tốc, bứt phá trong năm 2022, mà đầu tư công là một trong những đòn bẩy cơ bản cho sự tăng tốc này. Song, giải ngân đầu tư công ì ạch, trì trệ là một mắc míu kéo dài nhiều năm nay tại nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương mà Thủ tướng hiểu rất rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh chủ trương “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm”. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng sẽ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền.
Nói cách khác, người đứng đầu Chính phủ muốn chấm dứt tình trạng “cầm tay chỉ việc”, cũng như tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương lâu nay khi từ việc lớn đến việc nhỏ đều báo cáo lên chờ Thủ tướng quyết định. Một đoàn tàu muốn chuyển động nhanh và hiệu quả không thể chỉ chờ đợi vào đầu tàu. Mỗi bộ, ngành, địa phương là một toa tàu, phải tự xác định rõ trách nhiệm của mình, nếu ì ạch, thụ động sẽ kéo lùi chuyển động chung của cả đoàn tàu, cả đất nước.
Bình luận (0)