Có thể nói giáo viên là người sở hữu nhiều loại sổ nhất mà có những cuốn thật sự chỉ để đối phó.
Mỗi giáo viên kiêm công tác chủ nhiệm phải có đủ các loại sổ: sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ tích lũy, sổ hội họp, sổ biên bản hoạt động ngoài giờ lên lớp, sổ điểm lớn, sổ điểm cá nhân, sổ thu học phí và các loại quỹ... Một số loại trong đó chỉ là hình thức. Ví dụ sổ chủ nhiệm có những mục cần thiết thì không có chỗ để ghi còn những mục bắt buộc ghi thì không cần thiết. Sổ dự giờ để ghi chép những giờ thực dự nhưng thực tế ở một số trường chỉ là đối phó (chép sao cho đủ số tiết yêu cầu là được còn việc người dự hay “sổ dự” thì cũng chẳng ai kiểm tra) nên nhiều lúc tiết dự giờ đồng nghiệp lại trùng với tiết lên lớp! Sổ ghi biên bản hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng chỉ là cho có để đối phó với thanh tra vì thực tế những giờ này chỉ là... tùy giáo viên chủ nhiệm! Chính vì để đối phó cho nên khi có thông báo chuẩn bị kiểm tra là các giáo viên thi nhau chép (!).
Việc thực hiện phân phối chương trình do Bộ GD-ĐT quy định cũng là hình thức. Giáo viên bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định dạy học theo phân phối chương trình nên những tiết cuối học kỳ thường rất vô lý! Với một số môn học, nếu tuân thủ theo đúng quy định của Bộ thì sau khi có điểm trung bình học kỳ xong rồi mới đến tiết trả bài kiểm tra cho học sinh. Hoặc như ở môn ngữ văn 9, phân phối chương trình quy định bài làm văn chỉ có 1 tiết còn trả bài thì tới 2 tiết!
Cuộc sống có quá nhiều việc cần phải làm vì vậy những việc chỉ là hình thức cũng nên sớm khắc phục để đi vào thực chất hơn. Có như vậy nền giáo dục nước nhà mới có được vị thế vững vàng trong thời hội nhập này.
Lê Thị Diệu Phương
Bình luận (0)