“Các cuộc đàm phán về bộ quy tắc (ứng xử ở Biển Đông) không thể được tổ chức trực tuyến, nên chúng tôi sẽ đợi đến khi điều kiện tốt hơn sẽ tổ chức lại”, ông Jose Tavares, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Indonesia phụ trách hợp tác trong ASEAN, cho hay trong cuộc họp báo, theo Kyodo News.
Ông Tavares cho biết thêm trước khi đại dịch Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối tháng 12.2019, ASEAN và Trung Quốc có kế hoạch tổ chức đàm phán về COC ở Brunei vào tháng 2, ở Philippines vào tháng 5, ở Indonesia vào tháng 8 và ở Trung Quốc vào tháng 10, tập trung hoàn tất vòng rà soát thứ hai văn bản về dự thảo COC. Vòng thứ nhất đã hoàn tất vào cuối năm 2019.
“Việc hoàn tất vòng rà soát thứ 2 hiện chưa chắc chắn vì chúng ta không biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc để có thể nối lại các cuộc đàm phán...Chúng ta cần lạc quan vì có cam kết và ý chí chính trị từ ASEAN lẫn Trung Quốc”, ông Tavares nói.
|
Hồi tháng 11.2019, tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Thái Lan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN hoàn tất COC vào năm 2021.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Trung Quốc vẫn gia tăng động thái gây quan ngại ở Biển Đông. Chẳng hạn, Trung Quốc hồi tháng 4 ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến ngày 13.5, hãng ảnh vệ tinh ISI công bố hình ảnh chụp đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa cho thấy các máy bay quân sự KJ-500, KQ-200 và Z-8 của Trung Quốc hiện diện tại thực thể này.
Bình luận (0)