Việc kiểm tra liệu còn kiểu 50 học sinh cùng trả lời 1 câu hỏi?

Ngọc Long
Ngọc Long
17/10/2024 20:42 GMT+7

Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại nhiều lợi ích cho học sinh lẫn giáo viên, như đưa ra lộ trình học tập cá nhân hóa khác xa hình thức truyền thống.

Việc kiểm tra liệu còn kiểu 50 học sinh cùng trả lời 1 câu hỏi?- Ảnh 1.

Theo chuyên gia, phương pháp kiểm tra truyền thống trong lớp học hiện nay là 50 em cùng trả lời một câu hỏi từ giáo viên, song thực tế này sẽ thay đổi nếu áp dụng AI trong tương lai

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Sáng 17.10, Trung tâm khu vực về học tập suốt đời của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các quốc gia Đông Nam Á tại Việt Nam (SEAMEO CELLL), Công ty Cognotiv, Trung tâm phát triển GD-ĐT phía nam (Bộ GD-ĐT) phối hợp tổ chức hội thảo về ứng dụng AI vào quản trị tổ chức và chuyển đổi số, thu hút nhiều lãnh đạo, chuyên gia giáo dục đến chia sẻ về những ứng dụng để làm lợi cho giáo viên, học sinh.

Công cụ phát triển học sinh

Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Stephen Yee, Phó giám đốc điều hành Liên đoàn nhà tuyển dụng quốc gia Singapore (SNEF), cho biết AI là sự phát triển của các hệ thống máy tính có thể thực hiện những tác vụ thường đòi hỏi trí thông minh của con người. AI hiện chia thành nhiều loại khác nhau, như AI hẹp (hiện không còn tồn tại), AI rộng, hoặc cao cấp hơn là siêu trí tuệ.

Một trong những lợi ích lớn nhất của AI là giúp phát triển con người. Riêng ở lĩnh vực giáo dục, các ứng dụng nổi bật có thể kể đến như hình thành hệ thống học tập thích ứng, hệ thống gia sư thông minh, hệ thống chấm điểm bài luận tự động để ứng phó việc ngày càng nhiều học viên dùng AI trong bài tập, xử lý ngôn ngữ tự nhiên để học ngôn ngữ và môi trường học tập trực tuyến, theo tiến sĩ Yee.

"Ở khái niệm gia sư thông minh, đây là hệ thống có thể cung cấp các nội dung học tập và những bài kiểm tra được 'may đo' cho từng học sinh, từ đó có thể đánh giá chính xác trình độ của từng bạn và đưa ra gợi ý phù hợp giúp các học sinh phát triển. Điều này sẽ hoàn toàn khác với phương pháp truyền thống hiện nay là 50 học sinh cùng trả lời 1 câu hỏi, và cùng nhận 1 câu trả lời như nhau từ giáo viên", ông Yee nêu góc nhìn.

Việc kiểm tra liệu còn kiểu 50 học sinh cùng trả lời 1 câu hỏi?- Ảnh 2.

Tiến sĩ Stephen Yee cho biết AI có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, giúp học sinh và giáo viên ngày càng phát triển

ẢNH: NGỌC LONG

Chia sẻ với Thanh Niên bên lề sự kiện, ông Nguyễn Nhật Bình, Tổng giám đốc Cognotiv Vietnam, nhận định áp dụng AI vào giáo dục là điều tất yếu, song đây chỉ là công cụ để giúp thầy cô làm tốt công việc của mình chứ không thay thế giáo viên. Đến thời điểm hiện tại, công nghệ đã có thể giúp thầy cô cá nhân hóa tiến trình học dựa trên mục tiêu, khung năng lực mà học viên nhắm đến, từ đó gợi ý các khóa học, tài liệu phù hợp.

Ông Bình cũng nhấn mạnh AI hiện chỉ có thể làm đúng việc (do things right), còn chúng ta mới là bên quyết định làm việc gì đúng (do right things). "Đó cũng là lý do giáo viên, học sinh phải áp dụng HI (human intelligence, trí tuệ con người) trong khi sử dụng AI", ông Bình nêu quan điểm và cho biết thêm để hỗ trợ chuyển đổi số tại Việt Nam, ba yếu tố quan trọng là công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn đến từ nước ngoài.

Các nước áp dụng AI ra sao?

Tại hội thảo, đại diện từ bộ giáo dục các quốc gia ASEAN cũng tham gia thảo luận cách dùng AI để phát triển các dự án giáo dục quy mô lớn. Thạc sĩ Philany Pissamay, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Thể thao Lào), chia sẻ Lào đang có một ví dụ thành công về việc ứng dụng AI là Khang Panya Lao - một nền tảng học trực tuyến và đào tạo giáo viên được ra mắt trong giai đoạn bùng dịch Covid-19.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, nền tảng Khang Panya Lao (Kho tri thức Lào) ước tính có 333.000 người dùng trên toàn quốc, cho thấy trẻ em, thanh thiếu niên, phụ huynh và giáo viên Lào đã sẵn sàng cho việc học trực tuyến bất chấp những rào cản. Theo thông tin từ Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS), nền tảng được Liên minh châu Âu, UNICEF hỗ trợ và ai cũng có thể truy cập thông qua các thiết bị di động.

Việc kiểm tra liệu còn kiểu 50 học sinh cùng trả lời 1 câu hỏi?- Ảnh 3.

Thạc sĩ Philany Pissamay, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Thể thao Lào), chia sẻ về thành công của dự án Khang Panya Lao

ẢNH: NGỌC LONG

Tiến sĩ Win Pe, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thay thế (Bộ Giáo dục Myanmar), thì thông tin rằng nước này đã và đang xây dựng dự án phát triển tiếng Myanmar và văn học với mục tiêu phát triển ngôn ngữ, văn học của nước này trên nền tảng số với sự hỗ trợ của công nghệ AI. Một vài chức năng của dự án là chuyển văn bản thành lời nói, nhận dạng chữ viết, kết nối AI với hệ thống chữ viết Myanmar để ứng dụng rộng rãi...

PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định AI không còn là khái niệm xa vời mà đã trở thành hiện thực và đang tái định hình các ngành công nghiệp, tổ chức, giáo dục. Riêng ở lĩnh vực giáo dục, công cụ này giúp tinh gọn thủ tục hành chính, giảm những công việc lặp đi lặp lại đồng thời cải thiện việc ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu, nhờ đó tiết kiệm thời gian và nguồn lực cũng như quản lý hiệu quả hơn.

"Trong giảng dạy, AI hứa hẹn mang đến lộ trình học tập cá nhân hóa khi cho phép chúng ta điều chỉnh chương trình học phù hợp với nhu cầu và cách học của từng học sinh. Với các công cụ AI, chúng ta có thể tạo ra môi trường học tập thú vị, linh hoạt hơn, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội phát triển, bất kể xuất phát điểm của họ", PGS-TS Phúc cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.