Viêm da tiếp xúc kích ứng
Chiếm tới 80% và gây tổn thương cho hầu hết những ai tiếp xúc với chất đó, như: do phấn côn trùng, do acid, kiềm. Trong thực tế có trên 2.800 chất gây kích ứng. Có 2 loại cấp tính và mạn tính. Thể cấp tính xảy ra do tiếp xúc với hóa chất mạnh như acid và kiềm. Bệnh xuất hiện trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc và biểu hiện nhẹ như cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc mề đay thoáng qua. Nếu nặng lại có biểu hiện như đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử. Giới hạn rất rõ, khu trú đúng ở nơi da tiếp xúc với chất kích ứng. Cũng có khi bệnh khỏi nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần.
Còn thể mạn tính (còn gọi là viêm da tiếp xúc kích ứng tích lũy) - là loại rất thường gặp. Bệnh xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần, trong thời gian dài vài tuần, vài tháng, có thể vài năm tiếp xúc với chất kích ứng có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội, chất tẩy rửa... Khi gặp các yếu tố thuận lợi: cọ xát, sang chấn, ẩm ướt, bệnh biểu hiện da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, ngứa, giới hạn của tổn thương da không rõ với da lành. Hay gặp như viêm da bàn tay và ở nữ nhiều hơn do tiếp xúc với các chất kích ứng như xà phòng, chất tẩy rửa, các loại đồ ăn, chị em làm công việc nội trợ.
Viêm da tiếp xúc dị ứng
Thường xảy ra ở những người đã có tiếp xúc với dị nguyên trước đó, có thể vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm. Lúc đầu việc tiếp xúc này không gây ra triệu chứng gì, nhưng dần dần khi tiếp xúc nhiều lần sẽ gây tổn thương da. Bệnh xuất hiện muộn, thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên 48-72 giờ. Biểu hiện của trường hợp cấp tính là: ngứa, đỏ, phù, mụn nước, và tổn thương lan tỏa vượt quá vùng tiếp xúc. Nếu là mạn tính sẽ ngứa, đỏ, trợt da, bong vảy, giống như viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính.
Thông thường các tác nhân tiếp xúc bao gồm các chất kiềm, acid, chất tẩy rửa, chất bảo quản, chất khử mùi... Chất kiềm có khả năng xuyên thấm và phá hủy sâu do làm tan chất sừng bề mặt da. Hay gặp viêm da bàn tay ở các bà nội trợ, công nhân nhà máy xà phòng do chất kiềm gây ra. Còn acid sulfuric, acid nitric, acid
oxalic, acid chloric... cũng gây ra viêm da tiếp xúc nghề nghiệp. Ngay cả kim loại như đồng, thủy ngân, nickel, bạc, kẽm... cũng là tác nhân. Viêm da tiếp xúc dị ứng do kim loại hay gặp nhất là do nickel có ở đồ bằng kim loại như: dây đeo đồng hồ, cúc, khóa móc quần, thắt lưng. Ngoài ra còn các chất khác như bụi kẽm, bụi vôi, bụi gỗ, bụi thuốc lá, xi măng. Các hương liệu, chất bảo quản có trong mỹ phẩm; hóa chất trong chất nhuộm tóc; trong nhựa dán; trong cao su tổng hợp; các loại thuốc bôi; hóa chất trừ sâu; nhựa cây; hoa, phấn hoa; quần áo... Một số hoạt chất gây viêm da tiếp xúc do làm tăng nhạy cảm của da khi có sự tác động của ánh sáng mặt trời.
Khi có các biểu hiện khác thường trên da, cần khám tại bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định có phải là viêm da tiếp xúc và thuộc thể viêm da tiếp xúc kích ứng hay thể viêm da dị ứng, mới thể có cách trị liệu đúng.
BS Hoàng Xuân Đại
Bình luận (0)