Viêm đại tràng co thắt

24/12/2009 16:43 GMT+7

Đau bụng do viêm đại tràng (ruột già) là nỗi ám ảnh của nhiều người, nó dễ nhầm với đau dạ dày.

Đau bụng

Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là viêm đại tràng kích thích, viêm đại tràng mạn tính, là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Bệnh này gồm nhiều triệu chứng khác nhau nên người ta thường gọi là hội chứng viêm đại tràng co thắt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có tới 20% người trưởng thành mắc hội chứng này, trong đó người lớn tuổi chiếm tỷ lệ khá cao.

Triệu chứng điển hình nhất của viêm đại tràng co thắt là đau bụng. Đau bụng đa dạng, có thể đau sau khi ăn, có thể đau khi ăn no, đặc biệt là đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, chua, cay, lạnh... Kiểu đau như vậy là nỗi ám ảnh của hầu hết người bệnh bị viêm đại tràng co thắt, không dám ăn những thức ăn có dạng như vậy. Khi căng thẳng, stress thì cơn đau xuất hiện nhiều hơn.

Viêm đại tràng co thắt thường đau vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, dễ gây nhầm với bệnh đau dạ dày. Hầu hết người bệnh đều cho biết, hết cơn đau bụng sau khi đi đại tiện. Nhưng, cũng có nhiều bệnh nhân viêm đại tràng co thắt mạn tính thì vừa đi ngoài xong chưa vào đến phòng nghỉ đã xuất hiện cơn đau quặn bụng khác muốn đi ngoài tiếp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm đại tràng co thắt rất đa dạng: hoặc là do viêm đường ruột bởi ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh - thức ăn có vi khuẩn thương hàn gây bệnh, vi khuẩn lỵ hoặc lỵ a-míp; do rối loạn nhu động ruột; do dùng quá nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn; do rối loạn tâm thần, sang chấn tâm thần...

Việc chẩn đoán viêm đại tràng co thắt khá phức tạp, do đánh giá của từng thầy thuốc mà có các chỉ định xét nghiệm khác nhau và còn tùy thuộc vào trang thiết bị của từng phòng xét nghiệm. Nếu nghi loạn khuẩn có thể cho xét nghiệm vi khuẩn chí, xét nghiệm tìm các loại trứng giun, sán; nếu viêm đại tràng với lý do khác có thể cho chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, và nếu có điều kiện thì có thể tiến hành nội soi đại tràng...

Người bệnh bị ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống (không thoải mái, kiêng khem quá mức, hay cáu gắt dễ nổi nóng, lúc nào cũng lo đến bệnh tật của mình).

Cần đi khám bệnh ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm ngay từ đầu, không để bệnh trở thành mạn tính. Để phòng bệnh, cần ăn uống đảm bảo vệ sinh. Không nên lạm dụng gia vị, rượu, bia, chất chua, cay trong các bữa ăn hằng ngày...

PGS-TS Bùi Khắc Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.