Viêm khớp dạng thấp cần phát hiện sớm

12/10/2011 08:53 GMT+7

Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mãn tính quan trọng nhất trong các bệnh cơ xương khớp và đứng hàng thứ 2 trong các bệnh tự miễn (sau lupus ban đỏ hệ thống).

Biểu hiện đặc trưng là hiện tượng viêm màng hoạt dịch ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng, diễn biến kéo dài, tiến triển từng đợt có xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp không hồi phục, dính khớp, mất chức năng hoạt động của khớp. Từ đó mà làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Lâu nay, viêm khớp dạng thấp vẫn được coi là bệnh mãn tính, không ảnh hưởng đến tuổi thọ. Điều này không đúng vì đời sống của những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nặng thường bị rút ngắn khoảng 7 năm với nam và 4 năm với nữ. Nguyên nhân tử vong thường liên quan đến một số bệnh cùng mắc, ví dụ như bệnh xơ vữa động mạch, nhiễm khuẩn và các bệnh ác tính.

Các thống kê về y học cũng đã ghi nhận khoảng  0,3% - 1% dân số trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh này, nữ có tần suất mắc cao hơn 2 - 3 lần so với nam và tăng theo tuổi. Bệnh thường diễn biến với 20% trường hợp chỉ có một đợt viêm rồi tự lui bệnh, trong khoảng một năm; 70% có nhiều đợt tiến triển, xu hướng nặng dần lên; 10% bệnh tiến triển nặng ngay từ đầu, không có đợt tạm lui và tiến nhanh đến tàn phế.

Đây là bệnh không gây tử vong ngay nhưng lại gây tàn phế rất cao. Sự giảm sút khả năng lao động xuất hiện ngay trong năm đầu tiên mắc bệnh. Các chuyên gia về bệnh học cũng đã ghi nhận được là sau 5 năm mắc bệnh thì chỉ 40% bệnh nhân còn chức năng bình thường, 16% bị mất chức năng nghiêm trọng, mắc bệnh trên 10 năm thì 40% – 60% số bệnh nhân mất khả năng làm việc. Đó là lý do vì sao các chuyên gia về bệnh khớp luôn khuyến cáo chúng ta cần phát hiện và điều trị tích cực càng sớm càng tốt để phòng ngừa hủy hoại khớp và tàn phế.

Nhưng để phát hiện và điều trị tích cực càng sớm càng tốt trong điều kiện nguyên nhân gây ra bệnh này còn chưa được xác định rõ là điều không dễ. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh khớp cũng đã ghi nhận là bệnh có liên quan đến các yếu tố: di truyền, hormon, nhiễm khuẩn, môi trường và chế độ ăn uống. Và điều quan trọng là các triệu chứng điển hình khi mắc bệnh đã được ghi nhận để chúng ta lưu ý mà nhận diện. Cụ thể:

- Sưng, đau các khớp nhỏ đối xứng ở tay và chân, thường đau nhiều về đêm hay gần sáng.

- Cứng khớp buổi sáng. Các hoạt động thường ngày như đánh răng, chải đầu có thể rất khó khăn vào sáng sớm và thường phải xoa bóp làm nóng để các khớp có thể cử động được. Cứng khớp thường kéo dài hơn một giờ.

- Các triệu chứng toàn thân, gồm: mệt mỏi, sụt cân, thỉnh thoảng sốt nhẹ.

Về điều trị, chúng ta cần biết rằng dù đã rất nỗ lực và áp dụng nhiều thành tựu y học nhưng đây vẫn là bệnh chưa chữa khỏi. Mục đích cao nhất của điều trị hiện nay là đạt được sự lui bệnh về lâm sàng, giảm đau, giảm các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa các biến dạng và giữ gìn các chức năng bình thường của khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.