Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Thị Mai Phương, Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết viêm màng não mô cầu là tình trạng viêm màng bảo vệ não kéo dài suốt từ não bộ đến tủy sống, do tác nhân não mô cầu hay Neisseria meningititis gây ra.
Não mô cầu có thể gây ra rất nhiều bệnh cảnh khác nhau như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn; gây ra các biến chứng phức tạp như viêm khớp, viêm mạch da, viêm mống mắt, viêm màng phổi và viêm màng tim… Trong đó, viêm màng não là biểu hiện thường gặp nhất (chiếm 40-65% trường hợp) của bệnh lý não mô cầu xâm lấn.
Triệu chứng của bệnh
Ở thanh thiếu niên và người lớn khi bị viêm màng não mô cầu thường có biểu hiện đau đầu đột ngột, sốt, nôn ói, đau cơ, sợ ánh sáng, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung, lo lắng, ngủ gà, dịch não tủy đục kèm theo có hoặc không có phát ban. Bệnh nhân có thể có các dấu hiệu thần kinh cục bộ và co giật.
Một số bệnh nhân mắc viêm màng não mô cầu có tình trạng hôn mê và phản xạ bất thường.
Trẻ em dưới 5 tuổi khi bị bệnh có thể có triệu chứng chính là quấy khóc hoặc ngủ gà, sốt, nôn ói, suy giảm nhận thức hoặc co giật. Trẻ sơ sinh có thể khóc khó dỗ, bú kém và thóp phồng.
Có thể lây từ người sang người
Theo thạc sĩ - bác sĩ Ngô Thị Mai Phương, viêm màng não do não mô cầu có khả năng lây truyền từ người này sang người khác thông qua những giọt tiết hô hấp hoặc dịch họng từ người bệnh; các tiếp xúc gần và kéo dài như hôn, hắt hơi, ho, hoặc sống chung với một người bị nhiễm bệnh sẽ tạo điều kiện cho sự lây lan nhanh của bệnh.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu tốt nhất là dùng vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh trong giai đoạn lây lan cao, thực hiện vệ sinh tay thường xuyên và sạch sẽ, khuyến khích các biện pháp vệ sinh môi trường, sớm phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Đối với các trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân mắc não mô cầu, cần báo ngay cho bác sĩ để được cho kháng sinh dự phòng.
Bình luận (0)