Viễn cảnh bất tử

24/06/2013 03:25 GMT+7

Con người sẽ tải mọi ký ức lên máy tính vào năm 2045 và cơ thể của chúng ta sẽ dần được thay thế bằng máy móc trong vòng 90 năm nữa.

Chỉ cần hơn 30 năm nữa thôi, nhân loại sẽ đủ khả năng dồn mọi ký ức, tâm trí vào máy tính và trở nên bất tử về mặt kỹ thuật số, một sự kiện được giới chuyên gia gọi là "singularity", theo một nhà tương lai học của Google. Ray Kurzweil, Giám đốc cơ khí của Tập đoàn robot xanh, đồng thời cũng đưa ra dự đoán hết sức táo bạo, rằng các bộ phận sinh học của cơ thể người sẽ được thay thế bằng thiết bị cơ khí, và điều đó có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2100, theo Business Insider.

Viễn cảnh đầy chất khoa học viễn tưởng trên đã được chuyên gia Kurweil giới thiệu trong Hội nghị quốc tế tương lai toàn cầu năm 2045, diễn ra tại New York. Đây là hội nghị do triệu phú Nga Dmitry Itskov tổ chức và nội dung xoay quanh những cuộc trao đổi có liên quan đến viễn cảnh thế giới vào năm 2045. Ông Kurzweil cho hay: “Dựa trên các ước tính được cho là khá thận trọng về số thuật toán cần thiết để bắt chước não bộ con người về mặt chức năng, chúng tôi có thể mở rộng quy mô của trí thông minh của loài người lên gấp 1 tỉ lần”. Ông đề cập đến luật Moore vốn cho rằng năng lực của máy tính trung bình sẽ tăng gấp đôi trong mỗi 2 năm, dựa trên các phát triển về giải mã di truyền và công nghệ in 3D.

Singularity kỹ thuật là sự phát triển của trí thông minh siêu hạng thông qua việc sử dụng công nghệ. Lần đầu tiên thuật ngữ “singularity” được đề cập tới để chỉ trí óc công nghệ là từ nhà toán học John von Neumann vào giữa thập niên 1950. Đợt singularity sắp tới cũng được xem là sự bất tử kỹ thuật số do não bộ và trí thông minh của một người sẽ được lưu trữ mãi mãi, thậm chí sau khi họ chết. Chuyên gia Kurzweil cũng bổ sung rằng điều này có thể thực hiện được thông qua kỹ thuật thần kinh và đề cập đến những tiến bộ vượt bậc gần đây trong việc tạo mô hình bộ não và các công nghệ có thể thay thế chức năng sinh học của nó. Một trong những ví dụ điển hình là cấy ốc tai, kỹ thuật gắn thiết bị cấy vào dây thần kinh ốc tai của não và dùng điện kích thích để phục hồi khả năng nghe cho những người khiếm thính. Trong vài trường hợp, một người có thể khôi phục những kỹ năng vận động sau khi hệ thần kinh bị tổn hại. Còn vào hồi đầu năm, các bác sĩ của Đại học Cornell (Mỹ) dùng máy in 3D để tạo ra tai giả từ tế bào sụn.

Bổ sung cho phần trình bày của Kurzweil, bà Martine Rothblatt - Giám đốc điều hành Hãng công nghệ sinh học United Therapeutics của Mỹ - đã giới thiệu ý tưởng “ký ức vô tính”. Đây là những phiên bản kỹ thuật số của con người có thể tồn tại vĩnh viễn và tạo ra những “tập tin ký ức” theo hướng lưu giữ những khía cạnh trong tính cách của chúng ta. Theo trang tin The Huffington Post, bà dự đoán những dạng ký ức kỹ thuật số sẽ chạy trên phần mềm đặc biệt, và công ty đầu tiên phát triển chúng sẽ đạt được thành công gấp cả 1.000 lần Google hiện nay”. Sự hiện diện của phần cứng ký ức có thể dẫn đến việc thay thế các bộ phận của cơ thể bằng những phần vô sinh học.

Đó cũng là khái niệm mà chuyên gia Kurzweil đề cập đến và là nền tảng của cuốn sách Fantastic Voyage (tạm dịch: Cuộc hành trình tuyệt vời). Ông viết: “Chúng ta sẽ ngày càng trở thành vô sinh học, đến lúc mà các bộ phận này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong cơ thể, còn phần sinh học không mấy quan trọng nữa”.

Hạo Nhiên

>> Thế giới lạnh lẽo của sự bất tử
>> Bất tử nhờ cấy não vào rô bốt
>> Bất tử thời kỹ thuật số
>> Tiến gần đến sự bất tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.