Viễn cảnh chiến đấu cơ thế hệ 6

07/02/2015 04:56 GMT+7

Lầu Năm Góc đã đưa ra những phác thảo đầu tiên về chiến đấu cơ thế hệ mới, chú trọng khả năng hoạt động hiệu quả ở mọi môi trường.

Lầu Năm Góc đã đưa ra những phác thảo đầu tiên về chiến đấu cơ thế hệ mới, chú trọng khả năng hoạt động hiệu quả ở mọi môi trường.

Ảnh ý tưởng về chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của Tập đoàn Boeing - Ảnh: Boeing
Ảnh ý tưởng về chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của Tập đoàn Boeing - Ảnh: Boeing
Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra dự toán ngân sách quốc phòng năm nay và nhấn mạnh khoản chi hơn 5 triệu USD cho việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ kế tiếp để thay thế các dòng F/A-18 Super Hornet và EA-18 Growler vào năm 2030. Hôm qua, đến lượt các tướng lĩnh hàng đầu của Lầu Năm Góc mô tả một số ý tưởng ban đầu về năng lực của dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, tạm gọi là F/A-XX hoặc máy bay X. Trang tin Defense One dẫn lời Đô đốc Mathias Winter, chỉ huy mới của Văn phòng Nghiên cứu hải quân (ONR), nhấn mạnh máy bay chiến đấu mới phải thỏa mãn các điều kiện bảo đảm về “ưu thế áp đảo toàn diện, động cơ thế hệ mới, chở được vũ khí tối tân và máy bay không người lái cùng khả năng tự hoạt động”.
Vũ khí laser
“Ưu thế áp đảo toàn diện” là thuật ngữ chiếm phần lớn trong các báo cáo về tác chiến trong tương lai của Lầu Năm Góc, ý chỉ “năng lực của quân đội Mỹ có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào và kiểm soát mọi tình hình xuyên suốt các phạm vi chiến dịch, dù hoạt động đơn lẻ hay kết hợp với các đối tác và đồng minh”. Nếu áp dụng riêng cho máy bay chiến đấu, điều này có nghĩa là máy bay phải phù hợp cho nhiều loại chiến dịch khác nhau, đảm nhận được nhiều nhiệm vụ khác nhau và có khả năng phối hợp nhuần nhuyễn với các lực lượng đồng minh nước ngoài.
Defense One dẫn lời Tư lệnh tác chiến hải quân, Đô đốc Jonathan Greenert, nhận định một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm ưu thế áp đảo toàn diện cho chiến đấu cơ là vũ khí, chứ không phải tốc độ hay khả năng tàng hình. Theo các chiến lược gia Mỹ, với sự phát triển chóng mặt của các hệ thống radar cũng như sự phổ biến của công nghệ tàng hình thì năng lực tàng hình “đã trở nên bình thường” và không còn đóng vai trò quyết định. Vì thế, Cơ quan Các dự án quốc phòng tiên tiến của Lầu Năm Góc (DARPA) hiện đang cấp tập triển khai phát triển một dạng súng laser năng lượng cao, công suất 150 KW, dành riêng cho máy bay, gọi là HELLADS. Với ưu thế nhỏ và nhẹ hơn các nguồn tạo tia laser hiện tại, HELLADS có thể dễ dàng được triển khai trên chiến đấu cơ để bắn hạ rốc két, tên lửa phòng không, máy bay không người lái cũng như tấn công mục tiêu mặt đất. Theo Defense One, hệ thống này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tên lửa dùng để tự vệ trong trường hợp chiến đấu cơ bị bao vây bởi các máy bay không người lái cảm tử của đối phương. Điều này tương tự như việc Lầu Năm Góc trang bị vũ khí laser và điện từ trên tàu chiến để ứng phó các đội tàu nhỏ, tàu ngầm không người lái.
Sự biến mất của phi công
Một yếu tố được đặt nặng khác là ưu thế tác chiến điện từ, ý chỉ khả năng làm nhiễu radar địch, sử dụng các cảm biến tối tân để quan sát, phân tích và thu thập dữ liệu trên không, trên biển lẫn mặt đất để đảm nhiệm luôn chức năng tình báo. Thậm chí theo Defense One, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đặt mục tiêu xây dựng cho chiến đấu cơ thế hệ 6 khả năng tự động dò ra các dạng sóng điện từ của mục tiêu để can thiệp vào hệ thống liên lạc của chúng cũng như tự thay đổi tần số và các dạng sóng của mình để phòng thủ.
Sự tự động hóa cao độ của máy bay thế hệ mới còn được thể hiện qua khả năng chuyên chở và triển khai các máy bay không người lái cỡ nhỏ một cách đồng bộ để tiến hành chiến thuật “máy bay ruồi” bao vây đối phương. Ngoài ra, Tập đoàn công nghệ quốc phòng BAE System thậm chí vừa đưa ra ý tưởng chiến đấu cơ có thể dùng máy in 3-D để tự sản xuất một số bộ phận thay thế và lắp ghép, sửa chữa ngay trên không sau khi trúng đòn.
Từ các ý tưởng trên, các chiến lược gia thống nhất là con người sẽ không có đủ khả năng để thực hiện tất cả các nhiệm vụ và thao tác ngày càng phức tạp của máy bay trong điều kiện chiến đấu mới. Vì thế, chiến đấu cơ thế hệ 6 sẽ có rất nhiều thứ nhưng có thể sẽ thiếu vắng phi công.
Thực tế, theo Defense One, từng có thông tin nói F-35 sẽ là đời máy bay chiến đấu cuối cùng của Mỹ còn có phi công. Các tướng lĩnh vẫn không loại bỏ khả năng thiết kế máy bay thế hệ thứ 6 có người điều khiển nhưng tỏ ra không mặn mà lắm. Trước mắt, DARPA đang phát triển chương trình điều khiển tự động mang tên ALIAS, có thể đảm nhiệm “vai trò của một phi công phụ” để hỗ trợ phi công tác chiến.
Northrop Gunman hé lộ oanh tạc cơ đời mới
Tập đoàn công nghệ quốc phòng Mỹ Northrop Gunman vừa tung ra đoạn clip quảng bá rất bắt mắt về máy bay tầm xa thế hệ mới của hãng. Theo trang tin Defense News, động thái này được cho là nhằm tạo ưu thế trước các đối thủ như Boeing và Lockheed Martin trong cuộc đua giành hợp đồng chế tạo oanh tạc cơ thế hệ kế tiếp cho Lầu Năm Góc, tạm gọi là máy bay ném bom tầm xa (LRS-B). Trước đây, Northrop Gunman đã thất bại trước Lockheed Martin trong việc giành hợp đồng F-35 nhưng nay hãng này tin rằng mình đang nắm lợi thế vì từng chế tạo oanh tạc cơ tàng hình cánh dơi B-2 cho Lầu Năm Góc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.