Các công ty khai thác hiện không còn tìm thấy những mạch trầm tích vàng mới để thay thế những hầm mỏ cũ đang dần cạn kiệt theo thời gian. Thấy rõ nhất là nền công nghiệp khai thác vàng 140 tuổi của Nam Phi đang đối mặt cuộc khủng hoảng chưa từng có. Theo Bloomberg, nếu sản lượng vàng của nước này vào thời kỳ hoàng kim đạt 1.000 tấn khối vào năm 1970, con số vào năm ngoái chỉ còn 138 tấn khối.
tin liên quan
Thụy Sĩ tăng đầu tư vàng thỏi“Trước đây chúng tôi chỉ toàn nói về sản lượng tăng như thế nào sau mỗi năm. Đến nay tôi nghĩ rằng những ngày như thế có lẽ đã một đi không trở lại”, Đài RT dẫn lời ông Nick Holland, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn vàng Gold Fields của Nam Phi. Theo giới chuyên gia, ngành khai thác vàng có thể sắp đạt đến ngưỡng gọi là “vàng tới hạn” và sau đó sẽ là xu hướng giảm cho đến khi cạn kiệt. “Nếu nhìn lại những năm 1970, 1980, 1990, cứ mỗi thập niên, chúng ta lại tìm được ít nhất một mỏ hơn 1.500 tấn, ít nhất 10 mỏ hơn 850 tấn, và vô số mỏ từ 150 - 300 tấn vàng. Thế nhưng, trong 15 năm qua, con người chẳng tìm được mỏ nào 1.500 tấn hoặc 850 tấn, mà chỉ có lèo tèo vài mỏ 150 tấn”, tỉ phú Pierre Lassonde, nhà sáng lập Hãng khai khoáng Franco-Nevada Mining (Mỹ), cho biết.
Tương tự, ông Rudy Fronk, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Seabridge Gold (Canada), cảnh báo “vàng tới hạn” là viễn cảnh không còn xa trong ngành kinh doanh kim loại quý hiếm, khi hoạt động khai thác mỏ diễn ra nhanh chóng hơn việc tìm thấy các mỏ thay thế. Thậm chí có ý kiến cho rằng mốc thời gian cho “vàng tới hạn” đến ngay trong năm 2019. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Post, Chủ tịch Tập đoàn Goldcorp, ông Ian Telfer, phân tích nếu hoạt động khai thác vàng gia tăng đều đặn suốt 40 năm qua, xu hướng này chuẩn bị đổi chiều vào năm sau hoặc có thể đã bắt đầu ngay từ hiện nay.
Những cảnh báo trên xuất hiện vào thời điểm khá nhạy cảm khi nhiều nước tăng cường trữ vàng trước nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc. Bloomberg dẫn số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho hay Nga vừa bán phân nửa số trái phiếu chính phủ của Mỹ mà nước này đang nắm giữ, tương đương gần 47 tỉ USD. Trong khi đó, lượng dự trữ vàng của Moscow tiếp tục tăng đều lên mức cao nhất trong gần 2 thập niên. Từ tháng 5, dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 1% lên 1.928 tấn khối, trị giá 80,5 tỉ USD, theo số liệu chính thức của Ngân hàng trung ương Nga. Kyrgyzstan, láng giềng của Trung Quốc và là đối tác thân thiết của Nga, cũng tích cực tích trữ vàng để phòng ngừa nguy cơ chiến tranh thương mại. Quốc gia Trung Á đang tìm cách tăng tỷ trọng vàng trong kho dự trữ lên 50% so với mức 15% như hiện nay.
Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 6, Quỹ phúc lợi Thụy Sĩ quyết định chuyển 700 triệu CHF (hơn 74 triệu USD) giá trị vàng trên giấy tờ sang vàng thỏi và cất vào két sắt, theo Đài RT. Chuyên gia Claudio Grass tại Thụy Sĩ cho biết thêm nhiều quốc gia nhận định xu hướng địa chính trị thế giới có dấu hiệu dịch chuyển từ Tây sang Đông và đây là lý do đằng sau quyết định mua thêm nhiều vàng thỏi để dự trữ thay vì đầu tư vào trái phiếu của chính phủ Mỹ.
Bình luận (0)