Không nổi tiếng bằng và cũng không nhộn nhịp như nhiều địa điểm thu hút du khách ở Seoul, Seochon mang lại một phong vị khác hẳn.
Những căn hanok truyền thống và quán cà phê kiểu phương Tây chung sống ở Seochon - Ảnh: Trọng Kha
|
Trong mục về Seoul trên các trang cẩm nang du lịch hiếm khi xuất hiện cái tên Seochon. Bạn muốn thăm di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa, cảm nhận không khí cổ kính của vương triều Joseon năm xưa? Xin mời đến Cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung hay còn gọi là Cố cung) hoặc phố cổ Bukchon (Bắc thôn). Muốn trải nghiệm sự nhộn nhịp, đông đúc kết hợp với mua sắm? Đã có Dongdaemun, Namdaemun, Insadong hay Itaewon sẵn sàng mời gọi. Sành điệu, trẻ trung thì trực chỉ Gangnam và Hongdae để tha hồ “quẩy”. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn một chút, chịu khó lục lọi một chút, bạn sẽ phát hiện một thế giới hoàn toàn khác: Seochon (Tây thôn), một trong những khu dân cư có lịch sử lâu đời nhất thủ đô Hàn Quốc.
Đúng như tên gọi, thôn Seochon nằm ở phía tây Cố cung, trải dài từ cổng Yeongchumun (Nghênh Thu Môn) đến chân núi Inwang. Trong giai đoạn đầu của triều đại Joseon (1392-1910), đây là nơi ở của các gia đình quan lại và vương thất. Một trong những vị vua vĩ đại nhất của Joseon là vua Sejong (Thế Tôn Đại vương), người bảo trợ cho sự ra đời của ký tự Triều Tiên hiện đại, cũng được sinh ra tại Seochon vào năm 1397. Vì thế, nơi này là một trong những địa điểm lý tưởng để dạo bước ngắm nhìn hàng chục căn nhà cổ một tầng được gọi là hanok vừa tao nhã vừa cổ kính nằm tựa vào nhau (“hàng thật giá thật” chứ không phải đồ phục chế).
Hiện nay, một số ít gia chủ tại Seochon còn mở dịch vụ nhà nghỉ để du khách có thể trải nghiệm cảm giác sống giữa một căn nhà hơn trăm năm tuổi với kiến trúc và nội thất đặc trưng của Triều Tiên khi xưa.
|
|
Seochon khác gì với khu phố cổ Bukchon lừng danh và nhiều hanok hơn ở phía bắc Cố cung? Câu trả lời là khác lắm! Kém nổi tiếng cũng đồng nghĩa với ít du khách, ít ồn ào. Cũng những con hẻm hẹp um tùm cây lá len lỏi giữa những dãy nhà san sát mà sao Seochon yên bình, tĩnh lặng đến vậy! Chầm chậm theo chân bà hướng dẫn viên tình nguyện Bae Nam-ok do cô bạn ở Đài truyền hình Arirang TV sắp xếp giới thiệu, lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác về sự tịch mịch lãng mạn không còn có thể tìm thấy ở Sài Gòn, thậm chí ở Hội An cũng đã phần nào phôi phai.
|
Vì thế, ở Seochon, nhìn đâu bạn cũng có thể thấy dấu ấn của nghệ thuật, từ bức khắc nhỏ xíu trên tường đến một tác phẩm sắp đặt cả trăm năm tuổi được tạo nên từ đá lấy trên núi Inwang xen lẫn với mấy chậu cây. Bản thân hướng dẫn viên Bae cũng là một họa sĩ và Seochon từ lâu đã là niềm cảm hứng bất tận cho bà. “Người dân ở đây tốt và trân quý nghệ thuật lắm. Có người thấy tôi ngồi vẽ trước cổng nhà còn lấy nước ra mời nữa”, bà kể.
Cũng chính từ dòng chảy nghệ thuật xuyên suốt cộng thêm tính thẩm mỹ xen chút táo bạo của các nghệ sĩ Hàn Quốc mà nay Seochon có một đặc tính khó tìm thấy ở nơi nào khác tại Seoul. Ngoài nhà cổ, Tây thôn còn được biết đến là điểm tập trung nhiều phòng triển lãm nghệ thuật đương đại và studio của họa sĩ, nhiếp ảnh gia, điêu khắc gia...
Điều độc đáo là chúng hoàn toàn không bị ép phải “giả cổ” mà rất hiện đại, rất avant-garde nhưng vẫn hòa lẫn cực nhuyễn với các kiến trúc cổ xưa. Những cái tên nổi tiếng ở đây có Jean Gallery chuyên về nghệ thuật đương đại và phòng triển lãm nhiếp ảnh Daelim museum. Tôi tiếc hùi hụi khi biết Daelim museum vừa kết thúc đợt triển lãm các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Linda McCartney, người vợ quá cố của Paul McCartney trước khi mình đặt chân đến Seochon không lâu.
Tiệm sách cũ lâu đời nhất Seoul nằm trong khu Seochon - Ảnh: Hwang Won-tae
|
Vẫn còn đang vương vấn liên tưởng từ bà Linda đến The Beatles thì bỗng nghe giai điệu Hey Jude từ đâu vẳng lại. Lần theo tiếng nhạc, tôi tự nhiên thấy mình đứng trước một cà phê nhỏ xíu “rất Tây” với tường trắng, đèn vàng và tấm bảng đen ghi menu bằng phấn. “Anh ngạc nhiên lắm hả? Cà phê kiểu này ở đây nhiều lắm”, anh chủ quán cười nói. Đúng là “không thể tin được!”, gallery nằm cạnh hanok là đã “quá đáng” lắm rồi, giờ lại còn cà phê nữa. Seochon đã không giành những du khách hoài cổ với Bukchon, các phòng triển lãm không tranh người mê nghệ thuật với khu Hongdae thì dĩ nhiên các quán cà phê nơi đây cũng không kèn cựa với mấy tiệm Starbucks tràn ngập Seoul làm gì! Mỗi quán mang một vẻ độc đáo riêng nhưng vẫn có điểm chung là “không cần khách”. Một quầy bar nhỏ, 2-3 cái bàn con lọt giữa sách, tranh, bìa album. Ở đó, chủ quán mở jazz, blues, adult pop, indie rock rồi ngồi chống cằm nhìn ra phố. Từ trong quán, mấy cô nàng mặc crop-top rất chic, trắng tới nao lòng thong thả bước ra rồi cúi đầu thật thấp để chào một bà cụ đang ngồi sưởi nắng trước cánh cửa gỗ dưới mái ngói âm dương.
Tôi cũng cúi đầu nhưng là để chào tạm biệt Bae Nam-ok rồi lưu luyến trở lại “thế giới bên ngoài”. Dưới ráng chiều, nhà cổ, gallery, quán cà phê bỗng trở nên mờ ảo, dường như muốn biến mất, muốn giấu mình đi để có thêm 100 năm nữa, Seochon vẫn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi ở ẩn lý tưởng giữa những tòa cao ốc sáng lóa và dòng người hối hả của Seoul.
Đi chợ cổ, xài tiền cổ
Từ các con hẻm bình yên, lữ khách có thể bước ra đường lớn để hướng về chợ Tongin nhộn nhịp và đông đúc. Ngôi chợ hơn 90 năm tuổi này là điểm đến được nhiều người biết đến nhất của Seochon. Không lớn như chợ Bến Thành, nhà lồng chợ Tongin có một trục đường duy nhất với các gian hàng san sát hai bên, bán đủ các mặt hàng. Ngay cổng nhà lồng là một minh chứng khác cho cái sự kim cổ song hành của Seochon khi nằm dưới mái gỗ là một bảng QR Code to. Dùng điện thoại quét bảng mã này, bạn sẽ truy cập được website giới thiệu về chợ.
Điều thú vị và độc đáo nhất của Tongin, không chỉ với du khách mà cả dân bản xứ, là dosirak. Ngay cổng vào, bạn có thể dùng tiền thật để đổi các đồng xu giả cổ được gọi là yeopjeon với giá 500 won/xu. Với 10 xu, bạn sẽ mua được một khay đựng cơm rồi cứ vòng vòng trong chợ, tìm những gian hàng có đóng dấu yeopjeon trên bảng hiệu để vào chọn mua cơm và thức ăn.
Nếu không thích dùng cơm theo kiểu dosirak, bạn cũng có thể dùng tiền thật để thử gireum tteokbokki, một đặc sản mà chưa thử coi như chưa tới chợ Tongin. Cũng là bánh gạo nhưng gireum tteokbokki đỡ ngán hơn tteokbokki thông thường vì được rán giòn trên chảo gang.
|
Bình luận (0)