Viện kiểm sát cấp cao: Cựu đại tá Phùng Anh Lê không oan, đề nghị y án

20/04/2023 17:20 GMT+7

Đại diện viện kiểm sát cấp cao khẳng định cựu đại tá Phùng Anh Lê không bị oan, đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội nhận hối lộ.

pChiều 20.4, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Hà Nội) trong vụ án tha người trái pháp luật.

Viện kiểm sát cấp cao: Cựu đại tá Phùng Anh Lê không oan, đề nghị y án - Ảnh 1.

Cựu đại tá Phùng Anh Lê bị đề nghị y án 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ

PHÚC BÌNH

Tòa sơ thẩm tuyên đúng, không oan

Kết thúc phần xét hỏi, tòa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận. Nêu quan điểm luận tội, đại diện viện kiểm sát cho rằng ông Phùng Anh Lê không bị oan, do đó đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên mức án 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ đối với người này.

Vẫn theo kiểm sát viên, quá trình điều tra, xét xử, ông Lê đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, lời khai 3 cựu thuộc cấp của ông Lê và các tài liệu khác có trong vụ án, có đủ căn cứ xác định bị cáo nhận tiền rồi chỉ đạo tha người trái pháp luật.

Cụ thể, ngày 22.9.2016, Nguyễn Hữu Tài (trú tại Hà Nội) bị Công an Q.Tây Hồ tạm giữ để xác minh dấu hiệu bắt giữ người trái phép. Thông qua các mối quan hệ, người nhà của Tài tìm đến ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Lê), nhờ giúp Tài được về nhà.

Ông Bảy liên hệ, được ông Lê yêu cầu chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải. Người nhà của Tài đồng ý, chuẩn bị tiền rồi đưa cho ông Bảy. Cả nhóm đến khu vực gần cổng trụ sở Công an Q.Tây Hồ, ông Bảy mang tiền đưa cho ông Lê ngay tại phòng làm việc của ông này.

Sau khi nhận tiền, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ yêu cầu cấp dưới mang hồ sơ vụ việc của Tài nên phòng làm việc, nói rằng việc tạm giữ đối với Tài là chưa đủ căn cứ, rồi chỉ đạo làm thủ tục thả người. Rạng sáng 23.9, Tài được đưa ra khỏi nhà tạm giữ, ra về. Ít ngày sau, Tài và bị hại lên trụ sở Công an Q.Tây Hồ làm thủ tục hòa giải.

Đến năm 2021, Công an TP.Hà Nội phát hiện vụ việc và xử lý hình sự Tài cùng đồng phạm, đồng thời chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao để điều tra sai phạm của nhóm cán bộ Công an Q.Tây Hồ.

Đại diện viện kiểm sát cáo buộc ông Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận 110 triệu đồng từ ông Bảy, chỉ đạo cấp dưới thả người trái pháp luật. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội nhận hối lộ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Viện kiểm sát cấp cao: Cựu đại tá Phùng Anh Lê không oan, đề nghị y án - Ảnh 2.

Đại diện viện kiểm sát khẳng định bị cáo Phùng Anh Lê không oan

PHÚC BÌNH


Cựu đại tá phủ nhận lời khai của chú họ

Trước đó, ở phần xét hỏi, được HĐXX gọi lên thẩm vấn, hầu hết những người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều cho biết giữ nguyên lời khai như ở phiên tòa sơ thẩm.

Người nhà của Nguyễn Hữu Tài khẳng định có nhờ ông Phùng Văn Bảy kết nối với cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ để tìm cách cho Tài hòa giải với bị hại và được về nhà. Theo lời ông Bảy chuyển, gia đình Tài gom được 103 triệu đồng, vay thêm ông Bảy 7 triệu đồng để cho đủ 110 triệu đồng, rồi đưa tiền cho ông Bảy đi "lo lót".

Về phía mình, ông Bảy tiếp tục nói không có mâu thuẫn gì với cháu họ Phùng Anh Lê. Khi ông Bảy liên hệ và trình bày vụ việc của Tài, ông Lê yêu cầu chuẩn bị 110 triệu đồng. Ông Bảy là người trực tiếp vào phòng làm việc để đưa tiền cho ông Lê.

Ba cựu thuộc cấp của ông Lê (đã bị xét xử và tuyên án) dù không đến tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt, giữ nguyên lời khai như tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8.2022. Khi ấy, nhóm này đều khai việc thả Nguyễn Hữu Tài là thực hiện theo chỉ đạo của ông Lê.

Ngược lại, ông Lê bác bỏ hầu hết lời khai của những người vừa nêu. Ông Lê cho hay không có chuyện ông Bảy nhờ vả vụ việc của Tài, càng không có việc ông Bảy lên phòng đưa tiền cho mình. Bị cáo khẳng định không chỉ đạo cấp dưới thả người trái pháp luật, một trong 3 cựu thuộc cấp có mâu thuẫn nên khai bất lợi cho mình…

Trình bày ý kiến ngay sau phần luận tội của viện kiểm sát, ông Lê tiếp tục kêu oan, bảy tỏ mong muốn có sự bào chữa của 2 luật sư vắng mặt, đồng thời đề nghị HĐXX triệu tập 3 cựu thuộc cấp để tiến hành đối chất. Bào chữa cho ông Lê, 3 luật sư có mặt tại tòa cũng đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh thân chủ không phạm tội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.