Viện KSND tối cao đề xuất cho phép chuyển nhượng bất động sản đang bị kê biên

08/10/2024 17:28 GMT+7

Theo đề xuất của Viện KSND tối cao, bất động sản đang bị kê biên nếu có đủ điều kiện thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép chủ sở hữu được quyền chuyển nhượng.

Dự kiến ngày 14.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự. Dự thảo này do Viện KSND tối cao chủ trì soạn thảo.

Viện KSND tối cao đề xuất cho phép chuyển nhượng bất động sản đang bị kê biên- Ảnh 1.

Theo đề xuất của Viện KSND tối cao, bất động sản đang bị kê biên nếu có đủ điều kiện thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép chủ sở hữu được quyền chuyển nhượng (ảnh minh họa)

ẢNH: TUYẾN PHAN

Cho phép chuyển nhượng bất động sản bị kê biên 

Tại dự thảo, Viện KSND tối cao đề xuất đối với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên mà có đủ điều kiện để mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho chủ sở hữu hoặc người đại diện của họ được mua bán, chuyển nhượng.

Số tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tạm giữ, xử lý theo từng trường hợp.

Trong đó, nếu đã xác định được bị hại, giá trị phải bồi thường thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả ngay số tiền đó cho bị hại.

Nếu không thuộc trường hợp nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định gửi tiền thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để bảo quản chờ xử lý.

Nộp tiền để hủy bỏ kê biên

Vẫn theo dự thảo, Viện KSND tối cao đề xuất đối với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho người bị buộc tội nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch đối với các vật chứng, tài sản. Trừ trường hợp các vật chứng, tài sản đó cũng là vật chứng, tài sản trong vụ án rửa tiền.

Tiền đã nộp sẽ được bảo quản, xử lý theo quy định tương tự như trường hợp được phép chuyển nhượng tài sản như đã nêu ở trên.

Đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc là phương tiện sản xuất, kinh doanh đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch, Viện KSND tối cao đề xuất nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo chỉ định của chủ sở hữu hoặc của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tổ chức, cá nhân được giao khai thác, sử dụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản, không được chuyển dịch quyền sở hữu, cầm cố, thế chấp vật chứng, tài sản đó.

Tạm dừng giao dịch tài sản để bảo đảm giải quyết vụ án

Một nội dung đáng chú ý khác tại dự thảo, Viện KSND tối cao đề xuất cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm dừng giao dịch tài sản có giá trị và có thể giao dịch để áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo quy định của nghị quyết này, nhằm bảo đảm giải quyết vụ việc, vụ án.

Việc tạm dừng giao dịch được áp dụng đối với tội phạm mà bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tạm dừng giao dịch cũng có thể được áp dụng đối với tài sản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ cho rằng tài sản này liên quan đến vụ việc, vụ án.

Trường hợp tài sản có thể chia tách được thì chỉ tạm dừng giao dịch phần tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.