|
Bác chứng cứ “ngoại”
Đáp lại phần tranh luận của luật sư (LS), đại diện Viện KSND tối cao cho rằng, do có nhiều LS cùng nêu ý kiến trùng nhau nên không tranh luận trực tiếp mà chia theo từng nhóm. Đối với tội tham ô tài sản của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều, cơ quan công tố nêu quan điểm y án sơ thẩm là dựa vào nhiều căn cứ chứ không chỉ lời khai của Trần Hải Sơn và các nhân chứng là người thân của Sơn. Việc chuyển khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD là có thật, đủ căn cứ chứng minh. Về đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại, kể cả những thông tin từ Nga, Singapore, cơ quan công tố cho rằng những chứng cứ thu thập được đủ điều kiện chứng minh tội phạm. Việc tương trợ tư pháp nếu thực hiện được sau này thì tốt, có thể làm rõ thêm.
Hành vi cố ý làm trái của 9 bị cáo cũng được Viện KSND tối cao nêu rõ thể hiện qua 4 nhóm: lập dự án khi chưa được phép, đặc biệt là đối với dự án nhóm A; khi chưa có đủ giấy tờ thủ tục vẫn thanh toán; đi khảo sát nhưng không trung thực; thông quan, tính thuế một phương tiện như tàu biển nhưng thực hiện không đúng.
Trước yêu cầu của các LS về quan điểm đánh giá các tài liệu thu thập được từ Singapore, trong đó có bản tuyên thệ của ông Goh thể hiện các thông tin có lợi cho Dương Chí Dũng, đại diện Viện KSND cho biết đã nghiên cứu rất kỹ và ghi nhận, song ngay cả trong các tài liệu này cũng thể hiện nội dung khoản tiền 1,66 triệu USD là để thực hiện hồ sơ, thủ tục mua ụ nổi. Trong khi đó, hợp đồng mua bán ụ nổi, kể cả phụ lục không hề đề cập đến chuyện này nên không đủ căn cứ để xem xét.
Có mâu thuẫn trong lời khai
Tranh luận trở lại, nhiều LS lập luận quan điểm của đại diện Viện KSND là thiếu thuyết phục. Đặc biệt LS Trần Đình Triển, bào chữa cho Dương Chí Dũng, cho rằng án phúc thẩm liên quan đến sinh mạng 2 con người. “Nếu thi hành án rồi mới chứng minh được nhiều tình tiết phát sinh từ Nga thì có phải oan cho 2 mạng người?”, ông Triển đặt vấn đề.
Một nội dung tranh luận được các LS phản bác nhiều nhất là lời khai của Trần Hải Sơn và nhân chứng về việc chia tiền “lại quả” có nhiều điểm mâu thuẫn. Trong đó, lần Sơn đưa va li tiền cho Dũng ở khách sạn Victory ở TP.HCM, nếu đối chiếu thời gian thì Dũng còn đang ở trên máy bay. Đối với Mai Văn Phúc, Sơn khai đưa va li tiền ở phòng khách tầng 1 nhưng nhà của Phúc là cấp 4, hoặc con trai Phúc đang du học ở Anh thì không thể chứng kiến việc đưa tiền.
Trả lời thắc mắc này, đại diện cơ quan công tố cho rằng đánh giá hành vi các bị cáo là dựa trên nhiều yếu tố tổng hợp, có nhiều điểm phù hợp và có đủ niềm tin vào lời khai của Sơn. Chẳng hạn, bị cáo Chiều khai nhận được Sơn đưa 340 triệu đồng, trong khi Dũng và Phúc ở vị trí cao không lẽ không được chia. “Tuy nhiên chúng tôi thừa nhận có mâu thuẫn trong lời khai của Sơn và các nhân chứng”, đại diện Viện KSND tối cao nói và cho rằng, vụ án tham ô này không phải là bắt quả tang mà là truy xét, thời điểm xảy ra rất lâu nên có thể có sai sót. “Chúng tôi không nêu quan điểm cụ thể mà nhường quyền phán xét về cho HĐXX”, vị đại diện Viện KSND nói.
14 giờ chiều nay 25.4, HĐXX tuyên án.
Mong hoãn thi hành án để được... minh oan Nói lời sau cùng, nguyên Tổng giám đốc Vinalines nhiều lần lặp đi lặp lại cụm từ: “Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân về sai lầm”. Tuy vậy, bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng mình không phạm tội tham ô tài sản, không nhận khoản tiền hàng tỉ đồng từ Trần Hải Sơn. “Trước pháp luật, bị cáo không chối bỏ trách nhiệm nhưng nhận một điều không có thật thì không thể được”, bị cáo Dũng nói và mong HĐXX cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan. “Cho bị cáo được sống chờ đến ngày minh oan cho bị cáo. Một lần nữa xin tha tội cho bị cáo đã để xảy ra sai phạm này", bị cáo Dũng nói. Cũng nói lời sau cùng, Trần Hải Sơn bật khóc và cho rằng mình không đổ lỗi cho ai mà đã khai đúng những gì mà bị cáo biết. |
Thái Sơn - Hoàng Trang
Bình luận (0)