Viện KSND tối cao xác minh tài sản của cán bộ tại 18 đơn vị kiểm sát

01/04/2024 17:00 GMT+7

Viện KSND tối cao trực tiếp xác minh, đồng thời ủy quyền cho viện trưởng viện kiểm sát cấp tỉnh xác minh tài sản của cán bộ tại 18 đơn vị ngành kiểm sát.

Viện trưởng Viện KSND tối cao vừa quyết định ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024. Đây là hoạt động thường niên, nhằm triển khai quy định tại luật Phòng, chống tham nhũng.

Việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm xem xét, đánh giá tính chính xác, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập; kiểm soát sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Đồng thời nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có) và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trong sạch, vững mạnh.

Viện KSND tối cao xác minh tài sản của cán bộ tại 18 đơn vị kiểm sát- Ảnh 1.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí

GIA HÂN

Theo kế hoạch được Viện KSND tối cao phê duyệt, năm 2024, cơ quan này sẽ xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại 18 đơn vị.

Trong đó, Viện KSND tối cao trực tiếp tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8) thuộc Viện KSND tối cao, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội và các Viện KSND tỉnh Hải Dương, Quảng Trị.

Ngoài ra, Viện KSND tối cao ủy quyền cho 14 viện trưởng viện KSND tỉnh tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang và Bến Tre.

Vẫn theo kế hoạch, số lượng người được lựa chọn xác minh phải đảm bảo tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi đơn vị được xác minh theo kế hoạch của VKSND tối cao, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị.

Người được đưa vào danh sách để lựa chọn xác minh phải đáp ứng các tiêu chí: là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền tính từ ngày 31.12.2023 trở về trước; không thuộc một trong các trường hợp: người thuộc diện Ban Bí thư, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy quản lý; đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Người được xác minh tại mỗi cơ quan, đơn vị được lựa chọn công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Khi tiến hành lựa chọn người được xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện ủy ban kiểm tra đảng ủy cùng cấp dự và chứng kiến.

Trước đó, trong báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng năm 2023, Chính phủ cho biết đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ…

Tính đến tháng 4.2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…

Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.