Viện KSND TP.HCM: Kiểm sát viên 'không dùng từ miệt thị bị cáo Trần Vĩnh Tuyến'

16/12/2021 09:05 GMT+7

Tại phần đối đáp sáng 16.12, đại diện Viện KSND TP.HCM khẳng định 'không dùng từ miệt thị' bị cáo Trần Vĩnh Tuyến như nhận định của luật sư.

Ngày 16.12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Lê Tấn Hùng cùng 18 đồng phạm liên quan đến vụ án sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI gây thiệt hại cho nhà nước 672 tỉ đồng. Viện KSND (VKS) TP.HCM đã tiếp tục đối đáp lại các quan điểm của các luật sư. Tại phần đối đáp chiều hôm qua (15.12), luật sư (LS) Phan Trung Hoài (bào chữa bị cáo Trần Vĩnh Tuyến) cho rằng kiểm sát viên đã sử dụng những câu chữ, mà theo LS là không phù hợp với chức năng và quy tắc ứng xử của kiểm sát viên tại phiên tòa. Kiểm sát viên đã dùng từ “bị cáo Tuyến tỏ ra cẩn trọng”, “bị cáo Trần Vĩnh Tuyến dấm dúi ghi chữ mật trên tờ trình”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nói lời sau cùng vụ SAGRI: “Tạo nghiệp thì sẽ bị quả báo…”

Kiểm sát viên không dùng từ "miệt thị" bị cáo Tuyến

LS Hoài cho rằng, tờ trình của văn phòng UBND qua nhiều cấp, theo quy trình, là chứng cứ khách quan mà cơ quan điều tra thu thập. LS đề nghị kiểm sát viên rút lại lời đã nói, vì trái với khoản 3, Điều 5 về Quy tắc ứng xử của kiểm sát viên tại phiên tòa, là không được có hành động chỉ trích, miệt thị, coi thường, xúc phạm danh dự nhân phẩm người tranh tụng, người phản đối quan điểm VKS.

Đối đáp lại quan điểm này của LS Hoài vào sáng 16.12, VKS khẳng định đây là nhận định chủ quan của LS. VKS dùng từ trên cơ sở hành vi của bị cáo liên quan đến việc bị cáo giải quyết vụ việc có dấu hiệu sai phạm. “Đó là hành vi liên quan đến hành vi phạm tội, chúng tôi có quyền đánh giá hành vi đó như thế nào”, VKS nhận định.

Viện KSND TP.HCM tại phiên tòa xét xử sai phạm SAGRI

NGỌC DƯƠNG

Theo VKS, từ “dấm dúi” có thể cắt nghĩa theo vùng miền khác nhau. Trong vụ án này, từ đó có nghĩa là việc làm không minh bạch, làm nhưng sợ bị phát hiện. Đây là nhận định có căn cứ, vì tờ trình của văn phòng UBND TP.HCM trong trường hợp này không phải nằm trong danh mục mật của nhà nước. Việc xác định độ mật hay không mật phải theo quy trình.

Theo VKS, bị cáo Tuyến ghi trong tờ trình, phê lần đầu tiên chờ kết luận thanh tra đối với SAGRI, sau đó bị cáo ghi chữ Mật, gạch chân từ này hai lần. Theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước cũng như thông tư, hướng dẫn liên quan, nếu là văn bản Mật phải có trình tự, thủ tục, nhưng văn bản này không mật vì không đóng dấu mật.

“Nếu đây là văn bản Mật cá biệt, cần xem xét có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước hay không. Việc ghi chữ mật không đúng, thì cơ quan tố tụng có quyền nhận xét là thiếu minh bạch. Nếu LS cứ cho là như vậy, chúng tôi sẽ cân nhắc xem xét về quy định đạo đức hành nghề của LS. Chúng tôi đã giải thích rõ, các kiểm sát viên không "miệt thị" bị cáo Tuyến”, VKS khẳng định.

Chuyển nhượng phần vốn góp, quyền sử dụng đất

Còn một vấn đề tại phần đối đáp, LS Hoài cho rằng việc chuyển nhượng dự án, không gồm quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo VKS, việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp này, xét về mặt hiện vật của dự án đã có cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng trên đất. Về mặt giá trị, thì đó là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị vốn góp các bên.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa

NGỌC DƯƠNG

Trên cơ sở quyết định 6077 ghi là hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Cơ quan tài nguyên môi trường, văn phòng đăng ký đất đai đã thực hiện sang tên quyền sử dụng đất SAGRI cho Tổng công ty Phong Phú.

Theo kết luận của giám định viên Bộ Tài chính, đây là chuyển nhượng dự án bất động sản kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp ra bên ngoài.

Như vậy việc chuyển nhượng dự án SAGRI cho Tổng công ty Phong Phú, thực chất là SAGRI rút khỏi dự án. Chuyển nhượng phần vốn góp của mình là 28% và cả quyền sử dụng đất.

Sai phạm tại SAGRI: bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khai gì tại tòa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.