Viện nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đầu tiên được thành lập

Quý Hiên
Quý Hiên
24/10/2024 16:00 GMT+7

Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà ĐH Bách khoa Hà Nội mới thành lập là viện nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Hôm nay 24.10, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ thành lập Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Viện có tên tiếng Anh là Institute for AI Innovation and Societal Impact, tên viết tắt bằng tiếng Anh là AI4LIFE.

PGS Nguyễn Phi Lê, Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, được giao trách nhiệm điều hành viện.

Viện nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đầu tiên được thành lập- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN cùng các doanh nghiệp đối tác dự lễ thành lập AI4LIFE, viện nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên của cả nước về trí tuệ nhân tạo

ẢNH: DUY THÀNH

Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, AI4LIFE sẽ là một điểm liên kết, giúp kết nối và thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng như xúc tiến hợp tác với các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới, nhằm tạo ra các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành, thực hiện chủ trương nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo vì cuộc sống, áp dụng cho cuộc sống của ĐH Bách khoa Hà Nội.

AI4LIFE sẽ có 6 phòng thí nghiệm, bao gồm: học máy, công nghệ bán dẫn thông minh, khoa học sự sống thông minh, môi trường thông minh, hệ thống thông minh, giáo dục thông minh. AI4LIFE đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành lập được ít nhất một nhóm nghiên cứu mạnh và là một trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo dẫn đầu Việt Nam, góp phần đưa ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo về trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, AI4LIFE là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên trong cả nước tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành, để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo không còn chỉ giới hạn trong công nghệ thông tin mà sẽ được trải rộng ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Bộ GD-ĐT đặt nhiều kỳ vọng, tin tưởng AI4LIFE sẽ tạo nên những nghiên cứu đột phá, những ứng dụng có giá trị thực tiễn, sớm trở thành hạt nhân trong nghiên cứu và phát triển ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực với sự giao thoa của trí tuệ nhân tạo vì cuộc sống, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo động lực then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.