Khung giá do liên bộ ban hành ngày 26.1.2006 có cách biệt khá lớn (từ 4-6 lần) về giá tối đa - tối thiểu để các địa phương có thể xây dựng giá thu phí phù hợp với chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế, mức sống của người dân địa phương. Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng đưa ra nguyên tắc xây dựng mức thu các dịch vụ y tế, nêu rõ: "Việc quyết định mức thu của các dịch vụ y tế là vấn đề hết sức nhạy cảm. Mức thu cụ thể của các dịch vụ ở từng đơn vị phải dựa trên các nội dung chi phí ở đơn vị. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát toàn bộ danh mục giá các dịch vụ y tế đang triển khai tại bệnh viện. Tính toán và đề xuất mức thu cụ thể của từng dịch vụ cụ thể trên cơ sở các chi phí trực tiếp các định mức sử dụng của từng loại vật tư tiêu hao; không đề xuất các dịch vụ mà bệnh viện chưa triển khai thực hiện. Các chi phí chưa được phép thu (khấu hao thiết bị, chi phí quản lý...) không được tính vào mức thu. Đối với các dịch vụ có mức thu ở mức trên trung bình giữa giá tối đa và tối thiểu của khung giá do liên bộ ban hành, bệnh viện phải gửi kèm theo bản thuyết minh chi tiết các chi phí trực tiếp của dịch vụ để làm cơ sở thẩm định phê duyệt".
Như vậy, giá thu viện phí đối với các dịch vụ y tế phải dựa trên rất nhiều yếu tố: điều kiện thiết bị, năng lực chuyên môn, các thuốc, vật tư tiêu hao mà cơ sở y tế đó cung cấp cho người bệnh. Lấy ví dụ, chỉ riêng một ca mổ thông thường, nếu sử dụng thuốc và chỉ khâu khác nhau thì chi phí đã rất khác biệt rồi. Vậy mà mới đây, một số địa phương có điều kiện cung cấp dịch vụ y tế ở mức khiêm tốn, đời sống người dân còn khó khăn, đã ban hành giá thu dịch vụ ở mức tối đa.
Được biết, trên cơ sở khung giá ban hành, BHYT sẽ thanh toán các dịch vụ được hưởng cho người có thẻ BHYT. Nhưng hiện tại, có tới 60% dân số chưa có thẻ BHYT sẽ phải tự chi trả. Việc xây dựng giá dịch vụ cao bất hợp lý chính là tăng gánh nặng chi phí cho người bệnh. Ngay cả quỹ BHYT cũng là huy động từ cộng đồng, vì vậy không thể thanh toán trong trường hợp giá dịch vụ cao bất hợp lý.
Liên Châu
Bình luận (0)