Viết bài báo khoa học giống như sáng tác ca khúc

24/06/2018 10:05 GMT+7

Coi công việc chính của một nhà khoa học là nghiên cứu, TS Nguyễn Việt Cường (Phó viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, được xếp trong danh sách 5% nhà kinh tế hàng đầu thế giới)

Đang ở độ tuổi 40, TS Nguyễn Việt Cường cho rằng nhiều học hàm GS và PGS không quan trọng bằng việc phải có những người nghiên cứu thực sự để có những công trình khoa học.
Chia sẻ với Thanh Niên, TS Nguyễn Việt Cường tâm sự, anh bắt đầu có bài báo đăng tạp chí quốc tế cách đây đúng 10 năm. Hồi đó, đối với giới nghiên cứu kinh tế trong nước, việc có bài đăng tạp chí quốc tế là một điều lạ lẫm. Nhưng khi bắt đầu theo học thạc sĩ, rồi làm nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế phát triển tại ĐH Wageningen (Hà Lan), anh bắt đầu quen biết một số nhà kinh tế học người Việt. Khi biết họ đã có một số bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín, anh rất khâm phục và mong muốn làm được giống như họ.
Điều rất cần là phải tạo ra được cộng đồng và thói quen nghiên cứu. Trên một hành trình, có nhiều người cùng đi thì sẽ đi được xa hơn
 

“Vậy là tôi bắt đầu… thử, thì thấy cũng làm được. Ban đầu nghiên cứu của mình chỉ được đăng ở các tạp chí hạng thấp thôi, nhưng cứ thấy được đăng là thích rồi. Về sau lại cố một chút để được đăng ở các tạp chí hạng cao hơn. Dần dần sau đó tôi mới thực sự say mê để việc viết bài như một nhu cầu tự thân chứ không phải chỉ để có công trình được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín cụ thể nào đó. Bây giờ tôi nhận ra rằng viết một bài báo cũng giống như sáng tác một ca khúc, mình phải nghĩ đến cảm xúc của người đọc”, TS Cường chia sẻ.
Nghiên cứu việc chuẩn bị sinh con của mẹ tác động đến việc học của con
Đến giờ, anh đã có được bao nhiêu bài báo quốc tế?
Tôi cũng không nhớ vì không đếm. Có một dạo, tôi viết rất nhiều vì cứ thấy được đăng là sướng, nên cứ mải miết viết hết bài này đến bài khác. Nhưng viết nhiều thì đương nhiên gặp phải vấn đề là chất lượng sẽ không cao. Tuy được đăng tạp chí quốc tế đấy, nhưng các bài viết chỉ ở mức trung bình khá thôi. Tất nhiên, mỗi bài báo đều có một giá trị nhất định, nhưng cứ viết tràn lan những bài mà các phát hiện của nó nhỏ nhặt, tôi thấy không hài lòng. Vì thế, mong muốn của tôi hiện nay là đầu tư được thời gian để viết những bài báo khiến mình ưng ý hơn vì thấy nó thực sự có những đóng góp ý nghĩa cho khoa học.
TS Nguyễn Việt Cường và đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu phát triển Mekong

Vậy gần đây anh có làm được gì mà mình tâm đắc?
Gần đây, tôi có nghiên cứu và chỉ ra việc chuẩn bị sinh con của người mẹ sẽ tác động như thế nào tới kết quả học tập sau này của đứa con. Cùng trong một hộ gia đình, đứa trẻ được sinh ra trước hôn nhân của người mẹ thì kém hơn hẳn đứa được sinh ra sau hôn nhân về tỷ lệ đi học đại học, số năm đi học và cả về việc làm. Dữ liệu tôi sử dụng không chỉ lấy ở VN mà ở nhiều nước khác nhau.
Đi nhiều người thì đi được xa hơn
Anh nói cách đây 10 năm, việc đăng bài trên tạp chí quốc tế đối với các nhà nghiên cứu kinh tế vẫn là một điều lạ lẫm. Vậy, hiện ngành khoa học kinh tế của chúng ta đang ở đâu trên bản đồ nghiên cứu kinh tế khu vực và thế giới?
Tôi nghĩ là chúng ta còn rất thấp so với thế giới. Nhưng nó vẫn là khá nhất trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội ở ta, bằng chứng là kinh tế học có nhiều công bố quốc tế hơn cả, hoặc trong số các đề tài khoa học xã hội được Quỹ Nafoted tài trợ thì đề tài kinh tế vẫn chiếm chủ yếu. Các đợt xét duyệt mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm ngành khoa học kinh tế được khoảng trên dưới 20 hồ sơ trong khi các ngành khác trong khối khoa học xã hội chỉ 3 - 4 hồ sơ.
Tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã có sự phát triển, số lượng các nhà nghiên cứu kinh tế có xuất bản quốc tế cũng như số bài báo quốc tế đã tăng lên đáng kể. Con số tuyệt đối thì chưa nhiều nhưng về tốc độ tăng trong 10 năm qua cũng là khá.
Các ngành khoa học tự nhiên của chúng ta vẫn có các GS được mời thỉnh giảng ở các trường ĐH nước ngoài. Ở khối kinh tế thì sao?
Hiện đã có nhưng rất ít. Thực sự là chúng ta chưa giỏi đến mức để được mời thỉnh giảng! Ví dụ như tôi tuy cũng được mời giảng dạy nhưng chỉ ở một số nước xung quanh, và giảng dạy về một số phương pháp rất cụ thể, chẳng hạn phương pháp ước lượng nghèo đói ở Lào, Myanmar, Thái Lan... Có lẽ, rất ít người đạt tầm cỡ để được mời sang Mỹ hay châu Âu giảng dạy. Những nhà khoa học kinh tế tầm cỡ thế giới của nước ta thì đa phần là Việt kiều hoặc cũng làm việc ở nước ngoài.
Có vẻ như để ngành khoa học kinh tế nước nhà vươn tới tầm hội nhập quốc tế là ước mơ xa vời?
Đúng vậy! Để hội nhập, quan trọng nhất là phải có một cộng đồng gồm nhiều nhà khoa học giỏi, đủ trình độ để làm việc với những người giỏi của thế giới. Mà để có được điều này thì phải bắt đầu từ khâu đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, ngành kinh tế có rất nhiều người làm tiến sĩ nhưng chất lượng nghiên cứu sinh rất có vấn đề. Đầu vào yêu cầu đã không cao mà quá trình đào tạo lại không nghiêm. Tất nhiên, một phần do chất lượng giảng viên hướng dẫn, nhưng cái quan trọng là chúng ta không nỡ đánh trượt tiến sĩ. Có nhiều luận án chất lượng rất thấp nhưng rồi vẫn qua được các vòng bảo vệ.
Bao giờ ta tổ chức cách đào tạo tiến sĩ như ở các trường ĐH hàng đầu thì mới hy vọng nâng cao được chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Nhưng học xong tiến sĩ rồi mà không tiếp tục nghiên cứu về kinh tế nữa thì làm sao có đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế giỏi?
Vì thế, tôi nghĩ phải có cơ chế để các tiến sĩ đang giảng dạy ngành kinh tế tại các trường ĐH phải thực sự nghiên cứu. Chẳng hạn, phải yêu cầu có công bố quốc tế khi xét ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS, GS. Mà 1 hay 2 bài báo quốc tế là quá ít đối với một ứng viên PGS! Dẫu có nhiều GS, PGS mà không nghiên cứu được nhiều thì cũng chẳng giúp nâng nền khoa học lên.
Điều rất cần là phải tạo ra được cộng đồng và thói quen nghiên cứu. Trên một hành trình, có nhiều người cùng đi thì sẽ đi được xa hơn. Nếu một mình mình tự nghiên cứu thì ý tưởng bị hạn chế, nhiều người làm cùng nhau thì tạo được sự cộng hưởng, bổ sung được cho nhau.
TS Nguyễn Việt Cường

Qua quan sát của bản thân, anh đánh giá thế nào về chất lượng tư vấn của các nhà nghiên cứu kinh tế về các chính sách liên quan tới lĩnh vực này của Chính phủ?
Những tư vấn đó có hiệu quả không thì phải có những nghiên cứu khoa học mới đánh giá được. Nhưng ở quốc gia nào có nền nghiên cứu tốt thì hoạt động tư vấn tốt hơn. Rõ ràng, nếu nền tảng khoa học của mình tốt, khi tư vấn mình sẽ hiểu rõ vấn đề, sẽ đưa ra được những bằng chứng thuyết phục hơn. Ngoài ra, khi được mời tư vấn, các nhà khoa học cần được Chính phủ thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị. Nếu không sử dụng các ý kiến tư vấn thì cũng cần phải giải thích lý do. Trong quá trình mời cũng như đấu thầu tư vấn thì phải công khai, minh bạch để chọn được nhóm tư vấn tốt nhất.
 
Công bố 95 ấn phẩm nghiên cứu và 50 bài báo khoa học
TS Nguyễn Việt Cường tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành kinh tế phát triển tại Khoa Kinh tế nông nghiệp và quản lý, ĐH Wageningen (Hà Lan). Sau khi về nước, anh hoạt động giảng dạy ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hiện giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, phụ trách chương trình cao học Kinh tế phát triển VN - Hà Lan (MDE). TS Cường cũng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, một tổ chức chuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế phát triển.
TS Cường được nhiều người biết tới khi lọt vào danh sách 5% nhà kinh tế hàng đầu trong danh sách xếp hạng của Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics - Báo cáo Nghiên cứu về kinh tế học) với dữ liệu của trên 55.000 nhà kinh tế trên thế giới. Theo thống kê của RePEc, TS Cường đã công bố hơn 95 ấn phẩm nghiên cứu và 50 bài báo khoa học trong giai đoạn từ 2002 đến nay.

TS Cường có rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực đánh giá tác động của các chính sách và dự án, phân tích nghèo đói, dân tộc thiểu số, phân tích y tế và giáo dục. Anh tham gia nhiều dự án nghiên cứu và tư vấn với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu cho các bộ, viện nghiên cứu, các cơ quan quốc tế và tổ chức phi chính phủ ở VN.
Trình độ tương đương giáo sư các trường hạng khá ở châu Âu
Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Việt Cường có lẽ là nhà kinh tế số 1 ở VN, với hơn 50 bài báo ISI/SCOPUS. Trong đó có những bài xuất bản trên các tạp chí chất lượng rất cao của ngành kinh tế và các ngành khoa học xã hội khác như Health Economics, World Bank Economic Review, Journal of Comparative Economics, Journal of Development Studies, European Review of Agricultural Economics, Social Science and Medicine, American Political Science Review. Tính trung bình, TS Nguyễn Việt Cường xuất bản 6 bài báo/năm. Đấy là một năng suất rất “khủng khiếp” trong ngành kinh tế.
Trình độ nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường tương đương với các GS ở các trường nghiên cứu hạng khá ở châu Âu. Nhưng điều tôi ấn tượng hơn cả ở TS Nguyễn Việt Cường là sự khiêm tốn, cởi mở, chân thành đối với đồng nghiệp, và niềm say mê nghiên cứu.
TS Nguyễn Kiều Dung (chuyên gia kinh tế)
Nhà nghiên cứu có thể sống tốt bằng khoa học
Ảnh: NVCC
Tôi quen TS Cường vào khoảng năm 2008 khi đang làm tiến sĩ ở New Zealand qua GS hướng dẫn khoa học của tôi vì luận án TS của Cường khá tương đồng với hướng nghiên cứu của tôi. Hồi đó, khi các nhà nghiên cứu VN nói chung và giới nghiên cứu về kinh tế nói riêng vẫn còn rất xa lạ với những tạp chí ISI, SCOPUS thì anh Cường đã có những công bố quốc tế đầu tiên đăng trên các tạp chí của nhà xuất bản Elsevier, Wiley, Springer, Taylor & Francis, Oxford... TS Nguyễn Việt Cường là một người rất đam mê khoa học và có năng lực nghiên cứu. Bản thân anh Cường không muốn làm quản lý mà chỉ thuần túy làm tròn vai trò của một nhà nghiên cứu, một giảng viên ở một trường đại học nghiên cứu.
Có lẽ, TS Cường là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu có thể sống tốt thuần túy bằng khoa học với rất nhiều hợp đồng tư vấn, phân tích dữ liệu cho nhiều tổ chức trong và ngoài nước.
Trong cuộc sống, TS Cường cũng là một con người có nhân cách tốt, chia sẻ và rất khiêm nhường. Từ những nhóm bạn bè, TS Cường lan tỏa thành các nhóm nghiên cứu và cho ra những sản phẩm nghiên cứu rất tốt. Điều đó tạo nên uy tín của TS Cường trong giới nghiên cứu về kinh tế học ở VN.
TS Tịnh Đoàn (ĐH Waikato, New Zealand)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.