Viết đơn xin việc không nên bỏ trống phần yêu cầu kinh nghiệm

Phúc Kha
Phúc Kha
18/06/2023 08:00 GMT+7

Chuyên gia về tuyển dụng nhân sự ở các doanh nghiệp cho rằng sinh viên mới ra trường khi xin việc cần có thái độ cầu thị, tư duy cầu tiến và kỹ năng giao tiếp khéo léo.

Tại ngày hội việc làm của một trường đại học ở TP.HCM diễn ra sáng 17.6, các sinh viên đã học hỏi được nhiều kỹ năng như: phỏng vấn xin việc, cách viết đơn xin việc, thích ứng văn hóa tại các doanh nghiệp thông qua chương trình "Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng". Ông Huỳnh Văn Hòa, Phó phòng tuyển dụng Sacombank, cho biết: "Các doanh nghiệp lựa chọn sinh viên mới ra trường vào làm việc gồm 3 yếu tố: kỹ năng, thái độ, kiến thức, trong đó thái độ chiếm 70%, 20% là kỹ năng, 10% kiến thức. Doanh nghiệp cần sinh viên có thái độ tốt khi bắt đầu đi tìm kiếm công việc chứ không phải bắt đầu đi làm việc".

Viết đơn xin việc không nên bỏ trống phần yêu cầu kinh nghiệm - Ảnh 1.

Những kinh nghiệm từ việc làm thêm trong quá trình đi học sẽ giúp bạn hoàn thành hồ sơ ứng tuyển

PHÚC KHA

Ông Hòa đánh giá kiến thức học tại trường là nền tảng vững chắc để sinh viên hòa nhập với doanh nghiệp nhanh hơn. Kỹ năng là sự rèn luyện qua quá trình làm việc lâu dài. Mọi người đều có xuất phát điểm giống nhau nhưng hơn nhau ở chỗ thái độ các bạn có cầu thị khi đi tìm kiếm công việc đó hay không? Các bạn có chịu khó, lăn xả để tiếp nhận công việc, có cố gắng phát triển công việc đó thành sự nghiệp hay không?

Viết đơn xin việc không nên bỏ trống phần yêu cầu kinh nghiệm - Ảnh 2.

Khi đi phỏng vấn, sinh viên phải thật tự tin, trang phục chỉnh tề

PHÚC KHA

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hòa, sinh viên mới tốt nghiệp thường thiếu kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, khi còn trong quá trình học tập, sinh viên phải chủ động trải nghiệm thực tế, chủ động trong tìm hiểu vị trí, cơ hội việc làm để trau dồi kỹ năng phù hợp.

"Khi viết đơn xin việc, các bạn chưa có kinh nghiệm đi làm đúng chuyên môn cũng không nên bỏ trống phần kỹ năng làm việc. Những kinh nghiệm từ việc làm thêm trong quá trình đi học cũng giúp bạn rèn luyện kỹ năng, đừng ngại cho rằng kỹ năng đó không liên quan đến công việc ứng tuyển. Đi phỏng vấn xin việc, sinh viên phải có tác phong thật chuyên nghiệp của người sắp đi làm, đừng mang tác phong của sinh viên đi học ở giảng đường", ông Hòa chia sẻ.

Còn theo ông Bùi Đức Tuệ, Giám đốc điều hành Tập đoàn BIN Group, kỹ năng ứng xử, giao tiếp với đồng nghiệp và kỹ năng xử lý tình huống trong công việc là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp luôn yêu cầu đối với sinh viên. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần các bạn có sự đam mê trong công việc, phải quyết liệt với công việc. Khi bắt đầu một công việc, các bạn phải thật sự quyết tâm làm cho bằng được công việc đó.

Ông Tuệ nói: "Trước khi thực hiện buổi phỏng vấn, sinh viên phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng về doanh nghiệp: về giá trị, tầm nhìn, sản phẩm của doanh nghiệp để trả lời tốt những câu hỏi của doanh nghiệp đặt ra. Nếu bạn chuẩn bị không kỹ thì rất dễ rơi vào sai lầm trong buổi phỏng vấn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.