Khu vực quanh tòa nhà của CNRP không còn thấy xe quân sự và tàu cao tốc vũ trang bao vây như mấy ngày trước. Tuy nhiên, dọc quốc lộ 2, cứ cách vài trăm mét lại có một cụm hàng rào chắn xếp sẵn trên lề đường.
“Tất cả đã chuẩn bị hết rồi. Rào chắn đặt sẵn để đề phòng biểu tình đấy. Chưa kể, nếu có động tĩnh gì thì cách trụ sở CNRP khoảng 2 km có một bãi đất trống lớn, đó là nơi chính quyền từng tập kết quân. CNRP khó có thể động đậy”, một người chạy xe ôm trong khu vực nói với Thanh Niên.
Đợt căng thẳng mới tại Campuchia xuất phát từ việc CNRP lên kế hoạch đại biểu tình nhằm phản đối các vụ điều tra, xét xử nhằm vào nhiều thành viên cấp cao của đảng này. Phó chủ tịch Kem Sokha thì đang cố thủ trong trụ sở CNRP để trốn lệnh bắt của tòa. Trước đó, ông này bị tòa triệu tập về một vụ bê bối tình ái. Tuy nhiên, Kem Sokha không có mặt nên bị tòa tuyên phạt 5 tháng tù giam và 800.000 riel (khoảng 4,4 triệu đồng) vì tội chống lệnh triệu tập theo điều 538 bộ luật Hình sự.
Sau đợt chính phủ triển khai lực lượng hùng hậu bao vây trụ sở CNRP vừa qua, đảng này có vẻ im hơi lặng tiếng nhưng theo một số nguồn tin, biểu tình lớn có thể nổ ra vào cuối tháng 10.
|
Nguy cơ bùng phát biểu tình vẫn lơ lửng khiến nhiều người ở Phnom Penh, bao gồm cả Việt kiều rất lo lắng. “Nếu CNRP tổ chức đại biểu tình thì rất dễ xảy ra bạo động. Mà từ trước đến giờ, đảng này thường xuyên bài xích người Việt và kích động vấn đề biên giới. Nên chúng tôi rất sợ họ có thể chọn những nơi đông người Việt sinh sống để kích động”, Sok Chan Đa, chủ một quán cơm ở quận Chom Ka Mon, chia sẻ với Thanh Niên. Một người lái taxi tên Bun Thoeun thì lo ngại: “Tôi không muốn biểu tình xảy ra vì sẽ dễ dẫn đến bạo động, có thể gây thương vong”.
Căng thẳng nổ ra giữa lúc Campuchia đang tiến hành đăng ký bầu cử để chuẩn bị cho kỳ bỏ phiếu cấp địa phương vào tháng 6.2017 và toàn quốc vào năm 2018. Cuộc tổng tuyển cử năm sau được giới chuyên gia coi là phép thử mới dành cho đảng cầm quyền CPP và Thủ tướng Hun Sen.
Phía chính phủ tuyên bố CNRP vẫn có đầy đủ quyền về vận động bầu cử, trừ những cá nhân đang bị điều tra, xét xử và truy bắt. Tuy nhiên, thành viên Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia Mean So Thy khẳng định: “Ông Kem Sokha vẫn được quyền bầu cử với điều kiện phải có mặt tại điểm đăng ký”.
Phía CNRP chưa có thông báo cụ thể về việc ông này có đi đăng ký bầu cử hay không.
Bình luận (0)