Mấy hôm nay, mẹ gọi điện thoại từ nhà sang, giọng buồn buồn: Tết năm nay vẫn chỉ có hai vợ chồng già, con cái vẫn xa biền biệt. Nhìn các gia đình sum họp đầy đủ mọi thành viên, mẹ cảm thấy trống trải quá… Với tình hình dịch bệnh Covid-19, các chuyến bay quốc tế chưa nhiều, giá thành còn cao thì khoảng cách giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn xa vời vợi.
Hai chị em đã nói chuyện với nhau không biết khi nào được về Việt Nam để ăn Tết trên quê hương dù tôi đã có kế hoạch lấy kỳ nghỉ của giáo sư từ học kỳ năm ngoái với hy vọng được ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đúng nghĩa sau 13 năm ở xứ Cờ hoa nhưng dịch bệnh nên đành gác lại dự định trong sự tiếc nuối khôn nguôi.
Mấy em bé sinh ở Mỹ chưa bao giờ về thăm quê Việt Nam nhưng cũng rất thích mặc áo dài và cũng đã biết vui mừng khi Tết đến.Năm nay trường Đại học Brooklyn của tôi đã bắt đầu dạy trực tiếp từ ngày 31.1.2022 cho học kỳ mùa xuân 2022 nên tôi tranh thủ dành tháng 1 về Houston để sửa sang nhà cửa đón Tết. Chủ nhật (ngày 23.1), tôi và mấy người bạn, đều là Việt kiều xa xứ ở Houston rủ nhau đưa con em đến chùa để chụp hình áo dài cho con trẻ biết quê hương nguồn cội và Tết cổ truyền.
Đi chùa chụp hình áo dài cho con trẻ biết quê hương nguồn cội và Tết cổ truyền |
NVCC |
Chùa Việt Nam vào ngày chủ nhật có hàng trăm phật tử đến đi lễ, đọc kinh. Chánh điện rực rỡ với những chậu mai vàng, cúc vàng và những cành đào tươi thắm. Ngoài ra mỗi Chủ nhật còn có tiệc chay để phục vụ quý phật tử nên dù có sợ biến thể Covid-19 nhưng mọi người đều muốn đến chùa để có một không khí đầu xuân và cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn.
Các chị các cô xinh tươi trong những chiếc áo dài đủ màu, hoặc giản dị trong sắc màu lam đã làm sống dậy trong tôi ký ức những ngày Tết quê nhà, đi lễ chùa cùng gia đình.
Chợ Hồng Kông, chợ Việt Hoa trên đường Bellaire chật kín xe cộ. Mọi người hối hả đi mua bánh mứt để đón Tết vì dù có đi bốn phương trời thì người Việt vẫn mong có đầy đủ cỗ bàn xênh xang cho ba ngày Tết. Mặc dù nghe các cô các chú Việt kiều chia sẻ là cũng không dám đến thăm nhà nhau nhiều như hồi trước dịch bệnh nhưng không sắm sửa thì lại không yên tâm, thấy có lỗi “với ông bà tổ tiên”.
Tiệm cắt tóc Trung nổi tiếng vẫn chỉ thưa thớt khách trong những ngày đầu tuần trước Tết, vợ chồng anh chủ chia sẻ: ”Vì biến chủng Omicron, nên bà con mình không dám đi làm đẹp, mà làm đẹp cũng không có đi đâu. Anh chị hy vọng vào cuối tuần này thì khách sẽ đông hơn khi Tết đã cận kề.
Dù có đi bốn phương trời thì người Việt vẫn mong có đầy đủ cỗ bàn cho ba ngày Tết |
NVCC |
Tiệm cơm tấm Thuận Kiều trang trí đón xuân với những sắc màu rực rỡ. Các gia đình Việt Kiều cũng sửa soạn nhà cửa đón Tết mặc dù biết sẽ không có nhiều khách đến thăm. Như gia đình chị Cẩm Tú, bác sĩ Việt Kiều Houston đã bày biện Tết từ sảnh nhà, phòng bếp đến phòng gia đình, cổng ngoài. Thế mới biết người Việt dù ở thế hệ thứ 2, thứ 3 xa xứ cũng không quên phong tục tập quán của cha ông.
Có những Việt kiều khi đã thu xếp được chuyến trở về quê nhà thì rất vui mừng. Họ chia sẻ những bức ảnh hạ cánh ở phi trường, hình ảnh đoàn tụ với gia đình trong những ngày sắp Tết. Chị An Trần (Việt kiều Anh) đã đến sân bay Nội Bài tuần trước, sau bốn ngày cách ly hiện đang đi thăm thủ đô Hà Nội trước khi bay về Nha Trang hội ngộ cùng gia đình.
Ông bà Hải Hằng (75 tuổi, Việt kiều Houston) tranh thủ cắt tóc tại tiệm Trung trước khi ra sân bay để kịp chuyến về Việt Nam vào phút chót. Ông bà cười nói rộn ràng về chuyến đi sắp tới.
Có người tranh thủ cắt tóc tại tiệm Trung trước khi ra sân bay để kịp chuyến về Việt Nam vào phút chót |
NVCC |
Ngồi ăn miếng bánh chưng, nghe bài hát “Xuân này con không về” ở Houston, tôi thấy mặn mặn khoé mắt
Gia đình người Việt bày biện đón Tết |
NVCC |
Chị em tôi dặn nhau nhất định năm sau sẽ về ăn Tết ở quê hương sau bao năm ăn tết xa nhà. Chúng tôi cảm thấy không có gì quý hơn khi được sum vầy bên gia đình, bạn bè và chòm xóm trong những ngày xuân.
Ngồi ăn miếng bánh chưng, nghe bài hát “Xuân này con không về” ở Houston, tôi thấy mặn mặn khoé mắt, nhớ hơn những năm thơ ấu ngồi bên bếp lửa hồng chờ nồi bánh chưng chín cùng bà nội vào đêm giao thừa rồi ngủ gục lúc nào không hay.
Đã lâu lắm rồi qua cái thời còn nhận được tiền lì xì nhưng mỗi khi thấy các phong bao đỏ trong những ngày lễ tết, lòng chúng tôi vẫn cảm thấy nao nao. Ôi! Tuổi thơ và những cái tết quê nhà sao thân thương quá!
Lại xin hẹn mẹ về một Tết đoàn viên vào năm sau nhé!
Bình luận (0)