Viết lại "Hồng Lâu Mộng"

05/10/2009 11:25 GMT+7

(TNTT>) Hồ Nam không quan tâm đến những lời bàn tán về tác phẩm Hậu Hồng Lâu Mộng vì cô xác định: "Tôi không phải nhà văn chuyên nghiệp, tôi không có ý định xuất bản tác phẩm này và tôi chỉ viết theo ý thích của mình

Nếu gõ từ Hunan lên Google, bạn sẽ thấy các trang web giới thiệu tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nhưng nếu gõ Hunan cộng thêm từ “Hong lou meng” (Hồng Lâu Mộng) thì sẽ có hàng trăm trang web giới thiệu bạn mua sách của Hồ Nam. Đó là cô gái dám “cả gan” viết lại Hồng Lâu Mộng, một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.

Trào lưu các nhà văn nổi lên từ diễn đàn

Hồ Nam không phải là người duy nhất nổi tiếng từ diễn đàn trên mạng. Chu Hồng Chí là một nhà văn trẻ nổi tiếng nhờ tung các tác phẩm của anh lên diễn đàn. Báo chí Trung Quốc cho biết Chu Hồng Chí kiếm cả triệu nhân dân tệ nhờ viết các tác phẩm kiếm hiệp. Khi có tiếng tăm, Chu Hồng Chí bỏ cả việc học tại trường đại học Tô Châu để tập trung sáng tác. Còn với Hồ Nam, cô hài lòng với công việc một nhân viên marketing.

Tứ đại danh tác gồm Thủy Hử, Tam Quốc, Tây Du Ký và Hồng Lâu Mộng. Rất khó để nói tác phẩm nào hay hơn nhưng Hồng Lâu Mộng có một ngành để nghiên cứu là "Hồng học", 3 tác phẩm còn lại chưa được hậu thế nghiên cứu kỹ đến như vậy. Và sau khi 4 danh tác này được lưu truyền, trong dân gian xuất hiện nhiều phần hậu là đuôi ăn theo của các tác phẩm trên như Hậu Thủy Hử, Hậu Tam Quốc, Hậu Tây Du Ký... nhưng đều không thành công. Kể cả Hậu Thủy Hử của La Quán Trung và Thi Nại Am viết cũng không bằng được Thủy Hử của riêng Thi Nại Am viết trước đó vì theo nhiều người, Hậu Thủy Hử chỉ có được mùi binh đao chứ không thể hiện được cái khí phách của những hảo hán trong Thủy Hử.

Viết phần hậu khó khăn như vậy nhưng Hồ Nam dám viết lại tác phẩm này. Hồ Nam không ôm mộng làm nhà văn, cô chỉ là một người si mê Hồng Lâu Mộng không kém "Hương Lăng mê thơ". Lý do khiến Hồ Nam yêu Hồng Lâu Mộng cũng rất ngẫu nhiên. Khi còn là một cô bé 13 tuổi, Hồ Nam bị các bạn trong lớp gọi với cái tên Lâm Đại Ngọc bởi thời điểm đó, bộ phim Hồng Lâu Mộng (của đạo diễn Vương Phù Lâm) được chiếu rộng rãi tại Trung Quốc. Có lẽ khuôn mặt của cô bé Hồ Nam khi đó có nét u buồn, nội tâm khá giống với cô Lâm do Trần Hiểu Húc đóng.

 

Từ những lời trêu chọc đó, Hồ Nam quyết tìm hiểu Lâm Đại Ngọc là ai. Xem phim không đủ và cô quyết định lao vào đọc Hồng Lâu Mộng ngay khi 13 tuổi. Tác phẩm Hồng Lâu Mộng có 120 hồi với 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết. Còn 40 hồi cuối, theo nhiều nghiên cứu cho rằng là của Cao Ngạc, một người bạn của Tào Tuyết Cần viết sau khi văn sĩ họ Tào qua đời. Cũng như nhiều người khác, Hồ Nam cảm thấy không thỏa mãn với nội dung của 40 hồi mà Cao Ngạc viết và cô ôm mộng thực hiện việc viết lại Hồng Lâu Mộng (tức là gạt 40 hồi của Cao Ngạc sang một bên để viết nối theo hồi 80 mà Tào Tuyết Cần dang dở). Vì lý do này nhiều người thắc mắc tại sao trong Hậu Hồng Lâu Mộng của Hồ Nam, Lâm Đại Ngọc vẫn sống. Trên thực tế, trong 80 hồi đầu của Tào Tuyết Cần, cô Lâm vẫn sống và chỉ mất ở hồi 98.

Giấc mơ viết tiếp Hồng Lâu Mộng bắt đầu được Hồ Nam thực hiện khi cô 15 tuổi. Như tâm trạng của cô gái mới lớn đang yêu, Hồ Nam viết tác phẩm theo mơ ước của mình trong bí mật. Hồ Nam thực hiện công việc này rất nghiêm túc và khắt khe với chính bản thân. Chính vì vậy, để hoàn thành phác thảo đầu tiên, cô mất một năm. Bởi rất nhiều lần Hồ Nam đã bỏ đi những phần mà cô cho là không đạt.

Sau đó, Hồ Nam có ý định thi vào trường Hán văn. Nhưng mẹ cô lại không đồng ý với quyết định phiêu lưu đó mà muốn con theo ngành y. Dù nghe theo lời mẹ học trường y nhưng cô gái này vẫn tiếp tục âm thầm thực hiện công việc viết tiếp Hồng Lâu Mộng. Cho đến một ngày, Hồ Nam biết đến một diễn đàn dành cho những người yêu Hồng Lâu Mộng và có nhiều người cũng ôm giấc mộng viết tiếp Hồng Lâu Mộng như cô. Ngày 26-6-2006, Hồ Nam quyết định đăng bài lên diễn đàn và lập tức nó tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ.

Đặng Thoại Phu, một nhà Hồng học nhận xét: "Tôi rất ngạc nhiên với tác phẩm của Hồ Nam, lời văn trôi chảy, có đầy mùi vị Hồng Lâu Mộng". Phó chủ tịch hội Hồng học, Hồ Văn Bân, nhận xét: "Ở độ tuổi Hồ Nam mà viết được như thế thì thật phi thường. Chúng ta cần khuyến khích cô ấy".

Bên cạnh những lời khen cũng có những lời chê rằng cô bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nội dung của bộ phim Hồng Lâu Mộng đã chiếu hồi cuối thập niên 80.

Cô gái người Tứ Xuyên này không quan tâm đến những lời bàn tán vì cô xác định: "Tôi không phải nhà văn chuyên nghiệp, tôi không có ý định xuất bản tác phẩm này và tôi chỉ viết theo ý thích của tôi, theo giấc mơ của tôi". Cái tính ngang bướng của Hồ Nam khiến nhiều người liên tưởng đến chính nhân vật Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Hồ Nam tiết lộ để viết được Hậu Hồng Lâu Mộng, cô không chỉ nghiền ngẫm 80 hồi đầu của Tào Tuyết Cần, 40 hồi sau của Cao Ngạc mà còn dựa theo nhiều nghiên cứu khác về Hồng Lâu Mộng. Cô cố gắng giữ phong cách viết khiến người đọc tưởng như đang đọc tác phẩm của Tào Tuyết Cần.

Nhưng Hồ Nam thừa nhận cô chỉ viết theo đam mê còn cô chưa có đủ sự từng trải như Tào Tuyết Cần để viết những câu "xem ra chữ chữ toàn bằng huyết". Và trong phần Hậu Hồng Lâu Mộng của Hồ Nam người ta cũng thấy thiếu những câu thơ Đường đi vào lòng người như tác phẩm của văn sĩ họ Tào.  Đơn giản Hồ Nam chỉ viết văn chứ không biết làm thơ và cô không thể làm được 12 bài vịnh hoa cúc như Tào Tuyết Cần và cô cũng không thể làm 3 bài vịnh hoa hải đường như Cao Ngạc. Nhưng "hiện tượng" Hồ Nam cũng là tấm gương cho nhiều người: không cần phải là nhà văn nổi tiếng, bạn cũng có thể viết ra những tác phẩm thành công.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.