Việt-Mỹ chung tay chống rác nhựa: Thanh niên là nguồn ý tưởng và cảm hứng

Việt-Mỹ chung tay chống rác nhựa: Thanh niên là nguồn ý tưởng và cảm hứng

07/07/2024 09:30 GMT+7

10 bức tranh tường, cung cấp những hình ảnh ấn tượng làm nổi bật hiện trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và đề cập những biện pháp giảm thiểu rác nhựa được triển lãm trên tường tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM.

Một bộ tranh tường mang thông điệp "Giảm thiểu rác thải nhựa" đang được triển lãm ngay trên tường tòa tổng lãnh sự Mỹ TP.HCM ở đường Lê Duẩn, quận 1.

Trong buổi ra mắt bộ tranh tường ngày 28.6.2024, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns và ông Bradley Bessire, quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Việt Nam đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ về nỗ lực chống ô nhiễm nhựa của hai nước.

Ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Việt Nam, cho biết: "Bức tường này sẽ nâng cao đáng kể nhận thức về tái chế nhờ lượng người đi qua con phố đông đúc này. Đồng thời, riêng với giới trẻ, như đã đề cập, chúng tôi đang có các khoản trợ cấp và khuyến khích để họ đưa ra ý tưởng nhằm nâng cao nhận thức. Và vì vậy tôi nghĩ rằng hãy gieo hạt giống ý tưởng khắp các trường đại học và làm việc với những người trẻ tuổi khi họ nảy ra những ý tưởng mới, tôi nghĩ sáng tạo là không có giới hạn. Và tôi nghĩ mọi người luôn có những ý tưởng mới. Chúng tôi muốn giúp đỡ họ. Chúng tôi muốn giúp họ tái chế và giúp họ bảo vệ Việt Nam khỏi lượng nhựa dư thừa này".

Việt-Mỹ chung tay chống rác nhựa: Thanh niên là nguồn ý tưởng và cảm hứng- Ảnh 1.

Nên sử dụng chai dùng nhiều lần thay vì ly, bọc, ống hút nhựa khi uống cà phê

NGỌC DƯƠNG

Ông Bradley Bessire, quyền Giám đốc USAID Việt Nam, khẳng định nỗ lực giảm thiểu rác nhựa là một ưu tiên của Mỹ và USAID, nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao nhận thức của người dân về một số sản phẩm nhựa thông dụng như túi nhựa đựng ly hoặc ống hút nhựa.

Quyền Giám đốc USAID đánh giá cao việc Việt Nam thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tức trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu về quản lý bao bì sản phẩm của mình khi số bao bì này bị thải bỏ ra môi trường. Đây được xem là chính sách đột phá hướng đến nền kinh tế Xanh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Bessire cho rằng Việt Nam có thể tin tưởng vào giới trẻ, mà ông xem là nguồn hy vọng và truyền cảm hứng lớn nhất của xã hội. Theo ông, giới trẻ chính là những người đưa ra các ý tưởng trong nỗ lực thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn, chẳng hạn như tạo thay đổi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, giải cứu những động vật bị đe dọa tuyệt chủng.

"Tôi nghĩ một trong những nguồn hy vọng và cảm hứng lớn nhất chính là thanh niên Việt Nam. Họ là những người đưa ra ý tưởng. Họ là những người đang nghĩ ra những điều họ muốn thay đổi, dù là về biến đổi khí hậu hay cứu những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Họ là lực lượng thúc đẩy. Họ đang thúc đẩy những ý tưởng mới. Và tôi nghĩ về những ý tưởng này, khi bạn nói chuyện với các sinh viên trẻ ở Fulbright hoặc một số trường khác, họ có rất nhiều ý tưởng và họ có nhiều khát vọng thay đổi suy nghĩ và làm cho đất nước Việt Nam trở nên vĩ đại. Và chúng tôi muốn hỗ trợ họ", ông Bessire chia sẻ.

Còn theo bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, hai nước đang thi hành một số chính sách theo cam kết giảm thiểu rác nhựa của Mỹ và Việt Nam. Theo bà, Mỹ hiện có những chương trình cụ thể để bảo vệ các khu bảo tồn biển của mình khỏi tình trạng ô nhiễm rác nhựa. Việt Nam cũng có chương trình tương tự tại những nơi như Phú Quốc, Côn Đảo.

Bà Burns cho biết trước nhu cầu cần phải đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực này, Mỹ thông qua USAID đang hỗ trợ Việt Nam giảm ô nhiễm rác nhựa.

Nhà ngoại giao Mỹ tỏ ra lạc quan khi nhắc đến ví dụ nhiều bạn trẻ ở TP.HCM, đặc biệt trong các trường đại học, đang chuyển sang dùng chai nước có thể sử dụng nhiều lần, thay vì chai nhựa dùng một lần rồi vứt.

"Tôi chắc chắn đã nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ ở TP.HCM, đặc biệt là trong các trường đại học, trường học đang sử dụng bình nước có thể tái sử dụng chứ không phải chai nhựa. Nhưng rồi tôi nghĩ có một thách thức khác ở đây là văn hóa cà phê, và có bao nhiêu quán cà phê vẫn đang sử dụng cốc nhựa, rồi cả túi nhựa và ống hút. Vì vậy, tôi nghĩ vẫn có nhiều cách mà giới trẻ có thể tham gia bằng cách mua từ những nơi không sử dụng nhựa, hay yêu cầu không dùng đồ nhựa. Và tôi nghĩ khi bạn yêu cầu, doanh nghiệp sẽ cố gắng điều chỉnh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các bạn trẻ ở đây có thể làm được nhiều điều hơn nữa để biến TP.HCM trở thành một nơi hấp dẫn để ghé thăm", bà Burns cho biết.

Triển lãm ảnh chủ đề "Giảm thiểu rác thải nhựa" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Bộ sưu tập bao gồm 10 bức tranh tường, cung cấp những hình ảnh ấn tượng làm nổi bật hiện trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và đề cập những biện pháp giảm thiểu rác nhựa. Các bức tranh này sẽ được triển lãm từ nay đến cuối năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.