Hôm nay, 3.5, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (NASATI), Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) và một số doanh nghiệp lớn trong nước phối hợp tổ chức hội thảo “Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp”.
Hội thảo diễn ra trong nhiều ngày, phiên kết thúc sẽ diễn ra vào chiều 6.5.
Trong ngày đầu tiên của hội thảo, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt
Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, chia sẻ một số khó khăn trong phát triển nền nông nghiệp Việt Nam suốt hơn 20 năm qua.
|
Theo ông Phong, dù chúng ta đạt được những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, nhưng trong từng giai đoạn đều tồn tại những mặt trái gây hệ lụy không hề nhỏ cả về kinh tế, xã hội và môi trường: chất lượng nông sản thấp, giá trị thấp, nông dân bỏ ruộng, môi trường xuống cấp…
Ông Phong cảnh báo: “Khi nông nghiệp Việt Nam đã có đủ bài học về hậu quả của không duy trì trạng thái bền vững trong phát triển, thì giờ đây cần phải nhìn nhận đúng đắn về khái niệm đang tạo nên những phong trào rộng rãi trong xã hội: nông nghiệp công nghệ cao”.
Nhưng theo ông Phong, không thể trách được người nông dân, ngay cả khi điều họ quan tâm nhất trong sản xuất là “bán được giá cao”.
Vấn đề ở chỗ, cần có giải pháp tổng thể đồng bộ để giúp người nông dân bán được giá cao và ổn định, mà trong việc tìm kiếm giải pháp không thể thiếu vai trò của các nhà khoa học. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cần được ra khỏi phòng thí nghiệm để giúp quá trình sản xuất của người dân được đặt trong sự cân bằng thường thấy với môi trường và xã hội, từ đó định hướng việc áp dụng “công nghệ cao” cho phù hợp. Phải làm sao đề người nông dân hiểu mà không miệt mài sao chép các mô hình nhà lưới, nhà kính khắp nơi và gọi đó là “công nghệ cao”.
Đồng tình với những khuyến cáo của ông Phong, GS Đặng Trần Xuân, Đại học Hiroshima Nhật Bản, cho biết Việt Nam có thể học hỏi ở Nhật Bản bởi đây là đất nước mà trong môi trường học thuật, thông tin rất mở nên việc kết nối thông tin rất nhanh. Thậm chí, Việt Nam có thể trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp của Nhật Bản và các nước phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bởi họ rất chú trọng đến những nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.
“Công tác nghiên cứu khoa học được các doanh nghiệp của Nhật Bản triển khai rất nhanh. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hơn nữa kết nối giữa các địa phương của Nhật Bản với các địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao”, GS Xuân gợi ý.
Còn GS Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo (Nhật Bản), cho biết các trường đại học bên Nhật Bản rất quan tâm đến xây dựng liên kết với các doanh nghiệp, và đây là sự kết nối lâu dài, chứ không phải chỉ là trong thời gian ngắn.
“Các bạn sinh viên sau khi đi thực tập tại các doanh nghiệp sẽ định hướng được hướng nghiên cứu của mình theo đặt hàng của các doanh nghiệp để phát triển nghiên cứu của mình gắn chặt chẽ với thực tiễn. Đặc biệt, các trường đại học của Nhật Bản rất chú trọng đến cung - cầu công nghệ để hướng nghiên cứu gắn chặt chẽ với nhu cầu của thực tiễn. Vì vậy, ở Nhật Bản, sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp luôn hướng đến hợp tác lâu dài”, GS Masaaki Tanaka nói.
Bình luận (0)