Việt Nam cần mở rộng miễn thị thực

08/04/2016 06:14 GMT+7

Chính sách miễn thị thực của VN được cho là quá khắt khe so với các nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến du lịch và đầu tư.

Chính sách miễn thị thực của VN được cho là quá khắt khe so với các nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến du lịch và đầu tư.

Chậm chân hơn Lào, Campuchia
Hồi tháng 4.2015, Indonesia quyết định miễn thị thực cho công dân 30 quốc gia để thu hút du khách và đầu tư; trong đó có 18 nước châu Âu, 5 ở Trung Đông, 3 ở châu Mỹ… với thời gian miễn thị thực 30 ngày. Chính sách này có hiệu quả tức thì khi năm 2015 có 5,1 triệu người nước ngoài đến Indonesia so với 4,8 triệu năm 2014. Số khách thuộc diện miễn thị thực đạt 3,3 triệu, tăng gấp đôi năm trước.
Được đà, kể từ tháng 3.2016, Indonesia lại tiếp tục miễn thị thực cho công dân của 79 quốc gia, nâng tổng số nước được miễn thị thực lên tới 169. Qua đó, Indonesia tự tin đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay và đạt mức 20 triệu vào năm 2019, bỏ xa kế hoạch của du lịch VN (khoảng 10 triệu lượt khách vào 2020, năm ngoái đạt 8 triệu).
Số quốc gia được các nước trong khu vực miễn thị thực - Ảnh: N.T.Tâm - Đồ họa: Du Sơn
Số quốc gia được các nước trong khu vực miễn thị thực - Ảnh: N.T.Tâm - Đồ họa: Du Sơn
Báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới nhận định khách du lịch coi thị thực là một thủ tục áp đặt chi phí, cả trực tiếp (lệ phí thị thực) và gián tiếp (chi phí khoảng cách, thời gian chờ đợi…). Chi phí quá cao sẽ khiến du khách không đi chơi nữa hoặc thay thế điểm đến tiết kiệm hơn.
Thế nhưng, dù VN đã đưa du lịch vào danh sách những ngành kinh tế mũi nhọn, chính sách thị thực lại không được chú trọng. Cho tới nay, VN chỉ mới miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại với 9 nước thành viên ASEAN (miễn 30 ngày, riêng Brunei là 14 ngày); miễn đơn phương cho 7 nước đến hết năm 2019 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga (không quá 15 ngày). Năm ngoái, khi lượng khách quốc tế đến VN suy giảm nghiêm trọng, Chính phủ quyết định miễn thị thực (1 năm, đến 30.6.2016) cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý; ngoài ra còn có Belarus (5 năm) với thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Nhiều quốc gia trong khu vực từ lâu đã mở rộng cửa đón khách du lịch quốc tế bằng chính sách miễn thị thực. Đáng kể có Philippines đã miễn thị thực cho gần 165 nước, chia thành nhiều nhóm như nhóm ở lại không quá 30 ngày (157 nước), nhóm 59 ngày (2 nước), nhóm 7 ngày (6 nước). Ngoài ra, Singapore miễn thị thực cho gần 160 nước, Malaysia (164 nước), Thái Lan (61 nước)… Campuchia cho đến nay cũng đã miễn thị thực cho 25 quốc gia. Đặc biệt, Lào đã miễn thị thực cho công dân của khoảng 40 quốc gia.
Mở cửa cho công dân châu Âu và TPP
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn nhận xét: “Nhìn vào các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực, chẳng có quốc gia nào đạt trên dưới 20 triệu lượt khách quốc tế/năm lại không có chính sách thị thực thông thoáng, như Singapore, Thái Lan, Malaysia. VN không thể cạnh tranh với các quốc gia này, sắp tới là cả Indonesia, nếu không mở cửa chính sách thị thực và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp thị thực”. Ngay như Nhật Bản, để thu hút đông hơn làn sóng du khách từ VN, nước này đã liên tục loại bỏ các thủ tục không cần thiết cho du khách đi theo đoàn, dù chưa miễn thị thực cho khách Việt. Hàn Quốc cũng vậy.
Quan điểm của ông Sơn trùng với nhận định của Sách trắng 2016 do Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) công bố. Văn kiện này kiến nghị VN nhanh chóng mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực. Trong đó cần bao gồm tất cả các thành viên EU, các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Chile, Mexico, Peru... Các chuyên gia EuroCham cho rằng thời hạn miễn thị thực 15 ngày đang được áp dụng là không đủ đối với nhiều du khách quốc tế. Ngoài ra, VN cần mở rộng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu, áp dụng thị thực điện tử, giảm phí cấp thị thực (hiện cao thứ 2 ở châu Á), xem xét kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày, cho phép nhập cảnh trở lại trong thời hạn 30 ngày nếu du khách chứng minh được đã rời VN trong quãng thời gian đó…
Ông Phạm Văn Du, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách châu Âu, đề xuất nếu VN chưa thể miễn thị thực cho nhiều du khách thì nên thúc đẩy chính sách cấp thị thực điện tử như các nước trong khu vực đã làm. Ví dụ, công dân của hầu hết các nước có thể xin thị thực điện tử để vào Campuchia. Thị thực sẽ phát hành qua email cho khách trong vòng 3 ngày làm việc. “Chính sách miễn thị thực 15 ngày cho khách Tây Âu, tôi cho là chưa hiệu quả. Nhiều khách của công ty chúng tôi đến VN quá 15 ngày vẫn phải tới lãnh sự để lấy thị thực hoặc nhận tại cửa khẩu. Vì thế, nếu VN gia hạn chính sách miễn thị thực cho các nước Tây Âu, nên xem xét tăng lên 30 ngày như chính sách chung của các nước ASEAN”, ông Du nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Sơn nhìn nhận việc miễn thị thực cho khách quốc tế đến VN đang xung đột lợi ích giữa 3 ngành, là công an, ngoại giao và du lịch. Tuy nhiên, chúng ta cần thiết phải lựa chọn lợi ích do du khách mang lại cho nền kinh tế. Khách càng đông, nguồn thu từ du lịch sẽ càng lớn. Nguồn thu này sẽ bù đắp cho việc giảm thu từ phí thị thực và nhân sự tăng cường của ngành công an trong quá trình đảm bảo an ninh trật tự. Vấn đề là ngành du lịch cần phải đầu tư hạ tầng để tối đa hóa giá trị mà du khách mang lại, như sản phẩm du lịch đa dạng, quảng bá hiệu quả…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.