Đó là ý kiến của GS Shlomo Maital khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân dịp ông tới VN với nhiều chương trình trao đổi cùng giới chuyên gia, doanh nghiệp.
|
Tràn ngập không khí kinh doanh
Ông nhận xét thế nào về nền kinh tế và giới doanh nghiệp VN?
|
Khi đến VN, GS Simon Johnson của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) từng nhận xét đây là quốc gia tràn ngập không khí kinh doanh. Tôi đồng ý điều đó. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ của VN đang miệt mài vận hành. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là cần nâng cao sản phẩm, cải tiến và quản trị hiệu quả. Sinh lực kinh doanh của giới kinh doanh VN là khổng lồ, nếu kết nối với công nghệ và quản trị hiệu quả, thì tiềm năng là vô bờ.
Là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về quản trị sáng tạo, ông có lời khuyên nào cho các DN VN để nối kết sự sáng tạo hướng đến thành công?
Điều then chốt là phải biết nối kết sự sáng tạo với tình hình thực tế. Bởi thế, mỗi DN khi bắt đầu cần phải có nhân sự đáp ứng 3 tiêu chí: Thứ nhất là có khả năng sáng tạo; Thứ hai là khả năng áp dụng sáng tạo trong thực tế; Thứ ba là bán sản phẩm có được từ việc kết nối hai quá trình trên.
Phải định hình thương hiệu
Chính phủ đóng vai trò thế nào trong quá trình đó?
Chính phủ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên hình thành quỹ nghiên cứu và phát triển thông qua các tổ chức khoa học, để hình thành cơ sở vật chất tốt và những đại học có nguồn lực dồi dào. Chính phủ cần tạo điều kiện khởi nghiệp và vận hành DN một cách dễ dàng và đề ra một định hướng chiến lược. Không đất nước nào xuất sắc về mọi mặt, VN cũng vậy, nên cần đặt ra cụ thể: VN tập trung vào ngành nào để hiệu quả, đâu là sức mạnh đòn bẩy cho VN. Chính phủ cũng cần hỗ trợ hình thành và nối kết mạng lưới DN.
Hiện tại, hàng hóa Thái Lan đang ngày càng xâm nhập mạnh mẽ thị trường VN nhờ lợi thế chất lượng hàng hóa được đánh giá tốt hơn nhưng không đắt hơn. DN Thái còn có ảnh hưởng lớn với hệ thống phân phối VN. Theo ông, VN nên ứng phó thế nào trước thách thức này, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào năm 2015?
VN phải chủ động xây dựng và định hình thương hiệu riêng. Đây là điều tối quan trọng. Hồi thập niên 1950, Nhật Bản từ được biết đến là nước sản xuất hàng hóa giá rẻ thấp cấp. Và họ đã thay đổi điều đó để đến thập niên 1980 thì hình ảnh thương hiệu của nước này là hàng hóa công nghệ cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…
Thực sự, bị cạnh tranh mạnh mẽ cũng chính là cơ hội để hàng hóa VN tốt hơn. Các DN VN cần chuẩn bị ở mức cao nhất và cũng cần nghĩ đến khái niệm mà ông Peter Drucker (1909 - 2005, người được xem là cha đẻ ngành quản trị kinh doanh hiện đại) từng nói: Phá hủy mang tính sáng tạo. VN cần chấp nhận việc nhiều DN “chậm tiến” phải bị đào thải để những DN mới ra đời.
VN cần tập trung vào năng lực sản xuất với điểm mấu chốt không phải là ưu thế lương thấp mà sản phẩm có chất lượng cao. DN VN cần phát triển đội ngũ lao động hiệu suất cao, thông qua đào tạo và quản trị. DN phải đưa ra một chương trình nâng cao chất lượng, hiệu suất và liên tục đánh giá chính mình.
Ngô Minh Trí (thực hiện)
>> Long An: Quy hoạch 48.907 ha lúa chất lượng cao
>> Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng khó tiêu thụ
>> Thêm 60 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao
Bình luận (0)