Việt Nam - Chile ký Hiệp định Thương mại tự do

13/11/2011 00:46 GMT+7

Văn kiện vừa được ký mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa 2 nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng tại khu vực Thái Bình Dương.

Văn kiện vừa được ký mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa 2 nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng tại khu vực Thái Bình Dương.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Chile chính thức được thông qua ngày 11.11 (giờ địa phương, tức hôm qua, giờ VN) tại thủ phủ Honolulu của bang Hawaii, Mỹ và kết thúc quá trình đàm phán từ năm 2006. Lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Sebastian Pinera.

Theo thỏa thuận, 2 nước sẽ dỡ bỏ thuế quan cho hơn 9.000 sản phẩm với các lộ trình khác nhau, đồng thời sẽ dành cho nhau nhiều ưu đãi trong dịch vụ và đầu tư trong vòng 3 năm tới. FTA này cũng có nhiều điều khoản quan trọng về tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, kiểm dịch, hàng rào kỹ thuật, hợp tác và phòng vệ thương mại.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Pinera thảo luận tại Honolulu - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Peru Ollanta Humala chứng kiến lễ ký thỏa thuận về hợp tác giữa các cơ quan hải quan 2 nước và gặp gỡ các lãnh đạo 11 đảo quốc Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2011, Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ và tiếp lãnh đạo của một số tập đoàn lớn thuộc các nền kinh tế APEC.

Hôm qua, người đứng đầu Cơ quan Báo chí - Truyền thông thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yutaka Yokoi đã có buổi trao đổi với PV Thanh Niên tại Honolulu về một số vấn đề đang được quan tâm. Ông Yokoi khẳng định: “Hòa bình, ổn định trên biển Đông là điều vô cùng quan trọng với tất cả các nước trong khu vực” và các bên tranh chấp không nên manh động để tránh xung đột. Quan chức Nhật cho biết thêm vấn đề an ninh biển chắc chắn sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trong tháng này ở Indonesia.

Ngoài ra, ông Yokoi thừa nhận đang có một số lo lắng về an toàn của năng lượng hạt nhân sau sự cố tại Nhà máy Fukushima số 1, nhất là ở các nước đang thảo luận hợp tác với Nhật trong vấn đề này. Ông khẳng định Tokyo luôn minh bạch, chân thành và nỗ lực để các dự án hợp tác hiệu quả và an toàn. Ông Yokoi tin rằng sau những cuộc trao đổi thẳng thắn và minh bạch, Nhật và các đối tác sẽ tìm ra phương hướng chung để mang lại kết quả tốt nhất.

Tại các hội nghị này, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tiến trình gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Ông đồng thời nhấn mạnh, doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của kinh tế Việt Nam.

“Chúng tôi gọi là biển Đông”

Cũng trong hôm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, viện nghiên cứu chính sách uy tín do Quốc hội Mỹ lập năm 1960. Nội dung phát biểu xoay quanh chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ với Mỹ. Sau đó, Chủ tịch đã trao đổi thẳng thắn, rõ ràng nhiều vấn đề với hơn 200 đại biểu, bao gồm giới chức địa phương và Liên bang Mỹ cùng nhiều chuyên gia, học giả.

Trả lời câu hỏi về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Bất cứ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ cũng đều có ý thức đầy đủ về bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của mình”. Khán phòng rộ lên tràng vỗ tay khi Chủ tịch phát biểu: “Có người gọi là biển Nam Trung Hoa nhưng Việt Nam chúng tôi gọi là biển Đông cũng như một thành viên khác của ASEAN - Philippines - gọi là biển Tây”. Chủ tịch khẳng định chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, đối thoại ngoại giao và luật pháp quốc tế. Chủ tịch nước nói thêm rằng Việt Nam ghi nhận sự quan tâm đáng trân trọng của Mỹ và một số nước khác đối với những vấn đề ở biển Đông.

Đối với câu hỏi về quan hệ quốc phòng, an ninh Việt Nam - Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói cũng như trong các lĩnh vực khác - kinh tế, thương mại, văn hóa… đó là kết quả bình thường của việc bình thường hóa quan hệ song phương. Chủ tịch nước cho hay các cơ quan an ninh - quốc phòng hai bên thường xuyên trao đổi với nhau và bờ biển Việt Nam đang đón nhận nhiều tàu hải quân đến thăm viếng từ nhiều nước, trong đó có cả của Mỹ.

Lạm phát sẽ còn 1 con số

Về lạm phát tại VN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định phải có một sự đổi mới về cơ cấu kinh tế trong nước, từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Trước mắt, Việt Nam sẽ tập trung điều chỉnh chính sách tài chính tiền tệ để dòng vốn lưu thông hợp lý hơn. Chủ tịch nước cũng cho biết trong 2 tháng trở lại đây, chỉ số CPI đã giảm rất nhanh và mọi chính sách kinh tế vĩ mô đều cần một “độ trễ” nhất định để phát huy hiệu quả. Trong năm tới chắc chắn CPI sẽ chỉ còn 1 con số và hy vọng rằng tới năm 2015 sẽ vào khoảng 5%.

Nhiều đại biểu tỏ ra đồng tình với câu trả lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho câu hỏi trong tương lai, Việt Nam có lựa chọn mô hình đa đảng hay không. Theo Chủ tịch, Việt Nam “chủ trương mọi quốc gia đều có quyền bình đẳng, lựa chọn thể chế chính trị của mình”. “Chúng tôi nhận thấy rằng xã hội Việt Nam đang ổn định và quan hệ giữa Việt Nam với thế giới đang rất tốt. Với tình hình như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng không cần phải đa đảng”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, “vấn đề là làm thế nào để nhân dân được no ấm, đất nước được phồn vinh. Chúng tôi cũng vẫn đang phấn đấu để theo kịp bạn bè trên thế giới và mong rằng các bạn sẽ luôn ủng hộ chúng tôi”.

Trọng Kha
(từ Honolulu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.