Việt Nam chủ động ứng phó dịch Covid-19 khi có biến chủng nguy hiểm, bùng phát mạnh

Liên Châu
Liên Châu
15/01/2024 16:46 GMT+7

Xu hướng tăng ca bệnh Covid-19 cần điều trị chăm sóc đặc biệt được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật gần đây. Việt Nam đã chủ động kế hoạch ứng phó khi dịch có biến chủng nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh.

Theo cập nhật gần đây (tháng 12.2023) của WHO về dịch Covid-19, trên toàn cầu, số ca mắc mới đã tăng 52% trong khoảng thời gian 28 ngày (từ 20.11 - 17.12.2023) so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó, với hơn 850.000 ca mắc mới được báo cáo.

Việt Nam chủ động ứng phó dịch Covid-19 khi có biến chủng nguy hiểm, bùng phát mạnh- Ảnh 1.

Hình ảnh phổi trắng với tổn thương lan rộng do Covid-19

TL

Số ca tử vong mới giảm 8% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó, với hơn 3.000 trường hợp tử vong mới được báo cáo.

Đến ngày 17.12.2023, hơn 772 triệu trường hợp được xác nhận và gần 7 triệu trường hợp tử vong đã được báo cáo trên toàn cầu.

Biến thể Covid-19 mới gây ra những triệu chứng khác thường

Trong khoảng thời gian từ 13.11 - 10.12.2023, hơn 118.000 ca nhập viện mới do Covid-19 và hơn 1.600 ca nhập viện vào đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) mới đã được ghi nhận với mức tăng tổng thể lần lượt là 23% và 51%, trong số các quốc gia báo cáo.

Từ ngày 18.12.2023, JN.1 - một dòng phụ của biến thể BA.2.86 Omicron đã được WHO xác định là một biến thể được quan tâm riêng biệt (VOI) ngoài dòng gốc BA.2.86, do mức độ phổ biến tăng nhanh trong những tuần gần đây. Trên toàn cầu, EG.5 vẫn là VOI được báo cáo nhiều nhất.

SARS-CoV-2 biến chủng nhiều

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đầu tháng 5.2023, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025; trong đó chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn. Tại Việt Nam, Covid-19 đã là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Tuy nhiên, ông Phu cũng lưu ý, đặc tính của virus gây dịch Covid-19 (Sars-CoV-2) là biến chủng nhiều. Dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng.

Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ; dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của bệnh từng giai đoạn để kiểm soát dịch bền vững, đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân.

Xem nhanh 12h ngày 17.1: Biến thể SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, Việt Nam tăng cường giám sát dịch tại cửa khẩu

Ông Phu cũng cho biết, biến thể JN.1 ghi nhận gần đây vẫn đang được theo dõi, chưa thấy vấn đề nguy hiểm như gây quá tải hệ thống y tế, tử vong tăng.

Theo Bộ Y tế, bộ này đã ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Mới đây, tháng 12.2023, Bộ Y tế thông báo, kết quả giám sát tác nhân gây bệnh Covid-19 chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường. Hầu hết ca bệnh được đánh giá là nhẹ hoặc không triệu chứng. Đến thời điểm 15.1, cơ quan đầu mối về giám sát dịch bệnh (Cục Y tế dự phòng) chưa có khuyến cáo mới ghi nhận sự biến đổi độc lực gây nguy hiểm hơn của virus này tại Việt Nam.

Phòng, chống Covid-19 và dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân, đặc biệt tại miền Bắc với diễn biến thời tiết có các đợt rét tăng cường, Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện: giữ ấm cơ thể; duy trì thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời; không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh.

Thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.