Như Thanh Niên đã phản ánh, hiện trạng mạng lưới giáo dục ĐH (GDĐH) hiện nay phát triển chưa đồng đều, số lượng cơ sở ĐH nhiều nhưng nhìn chung là yếu.
Theo Bộ GD-ĐT, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là đầu tư cho GDĐH không chỉ quá thấp mà còn do chưa có sự phân loại các cơ sở GDĐH giúp định hướng cho đầu tư trọng điểm. Trong hệ thống không có sự thống nhất của các trường về sứ mạng, tính chất, định hướng, về phân tầng, tên gọi, nhiều trường đơn lĩnh vực. Cấu trúc hệ thống GDĐH hiện nay rất phức tạp, với nhiều mô hình đan xen: có ĐH, có trường ĐH; có cơ sở ĐH xuất sắc, cơ sở ĐH trọng điểm, cơ sở ĐH "bình thường"…
CHƯA ĐẠT DỰA TRÊN THƯỚC ĐO VÀ CHUẨN MỰC QUỐC TẾ
Xét về cơ chế quản lý, hiện có 2 ĐH quốc gia thuộc thẩm quyền quản lý (về nhân sự và tài chính) của Văn phòng Chính phủ, nhưng về chuyên môn vẫn thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT. Có 45 trường ĐH và các ĐH vùng trực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD-ĐT trong lúc các trường ĐH còn lại thì trực thuộc các bộ chủ quản hoặc UBND tỉnh/TP.
Mặc dù có một hệ thống ĐH đa dạng về mô hình, cơ chế quản lý, nhưng hiện nay ở VN chưa có trường ĐH nghiên cứu đúng nghĩa dựa trên các thước đo và chuẩn mực quốc tế. Hoạt động nghiên cứu cũng như ngân sách nghiên cứu của nhà nước vẫn chủ yếu dành cho các viện nghiên cứu độc lập với các trường ĐH. VN cũng chưa có ĐH khoa học ứng dụng theo ý nghĩa và tiêu chuẩn mà thế giới công nhận. Bên cạnh đó có quá nhiều trường ĐH đơn lĩnh vực với quy mô cán bộ và sinh viên ít cũng đang gặp nhiều khó khăn cạnh tranh trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế trong xu thế liên ngành, đa lĩnh vực.
Trong mỗi cơ sở GDĐH, việc đặt tên cũng chưa theo chuẩn mực quốc tế (trong trường có viện, trong viện có trường, trong "university" lại có "university"...). Các tồn tại này do chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn của một trường ĐH chuẩn, chưa có định hướng, quản lý chặt chẽ của nhà nước.
QUY MÔ ĐÀO TẠO THẠC SĨ, TIẾN SĨ QUÁ NHỎ
Trong hơn chục năm qua, quy mô đào tạo trên toàn hệ thống có sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng chỉ với bậc ĐH. Năm học 2021 - 2022, cả nước có hơn 2,1 triệu sinh viên ĐH, trong khi con số này năm 2009 là hơn 1,2 triệu. Trong khi đó đào tạo sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ) trong những năm gần đây lại giảm. Hiện nay, cả nước đang có khoảng 122.000 người học sau ĐH, trong đó gần 11.700 nghiên cứu sinh (học tiến sĩ) và gần 110.000 học viên cao học các ngành khác nhau.
Các con số về đào tạo sau ĐH này, nếu tính tỷ lệ trên dân số thì VN chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thái Lan, chỉ bằng 1/2 so với Singapore và Philippines, xấp xỉ 1/9 lần so với mức trung bình của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
So với tổng quy mô đào tạo của 3 trình độ cấp văn bằng GDĐH (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương), quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chiếm tỷ trọng xấp xỉ 5%, ở trình độ tiến sĩ chưa đạt 0,6%. Trong khi các tỷ trọng đó ở Malaysia lần lượt là 10,9% và 7%; Singapore 9,5% và 2,2%; tính bình quân các nước có thu nhập trung bình lần lượt là 10,7% và 1,3%, các nước OECD lần lượt là 22% và 4%.
Theo Bộ GD-ĐT, không chỉ quy mô đào tạo quá nhỏ mà việc đào tạo tiến sĩ hiện rất phân tán, hiệu quả không cao, chưa đáp ứng yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển KT-XH.
CHI CHO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC QUÁ THẤP, PHÂN BỔ KHÔNG HỢP LÝ
Đầu tư cho GDĐH quá thấp là vấn đề được cảnh báo từ mấy năm nay. Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH năm 2020 dự tính chỉ đạt 0,27% GDP và thực chi chỉ đạt 0,18% GDP (và chỉ chiếm 4,6% NSNN chi cho giáo dục).
Nhưng vấn đề không chỉ là chi ít mà là sự bất hợp lý trong cơ chế chi. Phần nhiều kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học (NCKH) được phân bổ cho các doanh nghiệp, và tốc độ tăng chi của nhóm doanh nghiệp cũng nhanh hơn các nhóm khác như tổ chức NCKH và phát triển công nghệ, trường ĐH, học viện. Trong khi nguồn nhân lực chính thực hiện các hoạt động NCKH và phát triển công nghệ tập trung phần lớn tại các cơ sở GDĐH. Cụ thể, các cơ sở GDĐH được nhận khoảng 1.000 - 2.200 tỉ đồng mỗi năm cho các hoạt động NCKH và phát triển công nghệ, trong khi khối doanh nghiệp được đầu tư mỗi năm hơn 23.000 tỉ đồng.
Điển hình với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT, kinh phí đạt bình quân 400 tỉ đồng/năm và gần như không thay đổi từ năm 2011 - 2016, một con số rất thấp so với tổng NSNN dành cho khoa học công nghệ (KHCN); mức bình quân chi KHCN trên một giảng viên thấp hơn từ 10 - 30 lần mức bình quân của các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á. Tổng mức kinh phí phân bổ cho các viện hàn lâm, viện/trung tâm nghiên cứu tuy nhiều hơn nhưng chưa hiệu quả do được cấp phát dàn trải cho hơn 600 viện nghiên cứu được quản lý bởi các bộ ngành khác nhau.
Cơ chế cấp phát kinh phí thực hiện nghiên cứu cào bằng dựa vào lịch sử phân bổ, không dựa vào thành tích đầu ra và không trực tiếp phục vụ hoạt động NCKH (phần lớn chi phí dùng để trả lương cho nhân sự). Mức đầu tư thấp, được cấp phát không có hệ thống, không có bộ tiêu chí rõ ràng khiến kinh phí KHCN cuối cùng mà các cơ sở GDĐH nhận được là quá ít, không đủ để thúc đẩy năng lực và thành tích, cũng như chưa phản ánh và đồng nhất với ưu tiên phát triển KHCN của địa phương và cả nước.
Một thể hiện rõ nét về sự bất hợp lý khác là ở việc cơ chế chi không tương quan với nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển có trình độ cao tập trung ở các trường ĐH, chiếm 50% tổng lực lượng nghiên cứu và phát triển trong cả nước, trong đó 69% các nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ và thạc sĩ. Tuy vậy, hơn 60% NSNN dành cho nghiên cứu và phát triển được phân bổ cho các viện nghiên cứu nhà nước trong khi các trường ĐH chỉ nhận được khoảng 13%. Do tổng chi tiêu công cho nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm khoảng 0,41% GDP, các trường ĐH nhận được chưa đến 0,05% GDP cho các chương trình nghiên cứu.
"Tổng mức kinh phí thực hiện các đề tài/dự án KHCN cho tất cả các trường ĐH còn quá ít, không thể tạo đà bứt phá. Do đó cần có cơ chế phân bổ lại ngân sách KHCN cho cơ sở GDĐH và cần có giải pháp để đạt mức đột phá, trong đó quy hoạch các cơ sở GDĐH giúp xây dựng và triển khai các cơ chế phân bổ chi hợp lý, trọng tâm, trọng điểm, theo cơ cấu lĩnh vực dựa trên hiệu quả hoạt động", Bộ GD-ĐT đề xuất.
Cần phân loại ĐH để đầu tư trọng điểm
Trong dự thảo quy hoạch mạng lưới GDĐH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tỷ lệ nghiên cứu sinh tăng bình quân 2% mỗi năm. Kỳ vọng của Bộ GD-ĐT là tới năm 2030 tổng quy mô đào tạo đạt 3 triệu người. Riêng học viên sau ĐH đạt quy mô 250.000 người, trong đó số nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm ít nhất 10%. Giải pháp cho mục tiêu này là chú trọng đầu tư cho các cơ sở GDĐH trọng điểm để tăng quy mô đào tạo sau ĐH gắn kết với phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia và trọng điểm ngành.
Giải pháp về huy động và phân bổ đầu tư là đầu tư chủ yếu từ NSNN cho việc mở rộng, nâng cấp các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới, trong đó ưu tiên ở mức cao nhất cho các ĐH quốc gia và cho phát triển các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
Trong xu hướng tự chủ ĐH và cải cách đầu tư công, nhà nước cần có cơ chế đầu tư hiệu quả và xác định được chiến lược đầu tư từ NSNN. Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phân loại các cơ sở GDĐH trong hệ thống làm căn cứ để nhà nước đầu tư trọng điểm.
Bình luận (0)