Việt Nam có 2 tỉ phú USD

Theo công bố của tạp chí Forbes cho thấy, ông Phạm Nhật Vượng , Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) là người Việt duy nhất lọt vào danh sách tỉ phú USD trên thế giới với tài sản tính đến hết 30.12.2016 đạt 2,2 tỉ USD, đứng số 1 VN, thứ 1.011 trên trường quốc tế, so với vị trí 1.118 năm 2015.

Tuy vậy nếu tính theo số liệu niêm yết trên sàn chứng khoán nội, VN có đến 2 tỉ phú USD.
Tại VN, công thức tính “người giàu” mới đơn thuần và máy móc là lấy vốn hóa nhân với giá cổ phiếu thành tiền, nhưng tổ chức nước ngoài thì đào xới số liệu trong một thời gian dài và dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau: từ tính thanh khoản của cổ phiếu, lịch sử thanh khoản của cổ phiếu, tính ổn định và bền vững của doanh nghiệp, nợ nần của doanh nghiệp...
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển

Ai giàu nhất VN?
Danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán 2016 vừa đảo lộn mạnh vị trí do có đến 3 gương mặt mới. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là tâm điểm chú ý của toàn thị trường năm nay, khi gầy dựng khối tài sản ngang ngửa người đang ngồi ghế giàu nhất trên sàn chứng khoán chỉ trong một thời gian ngắn.
Là giám đốc một công ty luật, ông rẽ ngang sang bất động sản, nổi lên với hàng loạt dự án được công bố với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng chỉ trong giai đoạn 2014 - 2016. Ngoài 17,9% cổ phần nắm giữ ở FLC, tương đương gần 600 tỉ đồng, phần lớn tài sản của ông nằm ở Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (ROS) với hơn 289,55 triệu cổ phiếu (CP) tương ứng 67,34% số CP có quyền biểu quyết đang lưu hành. ROS lên sàn từ ngày 1.9.2016 với giá 10.500 đồng/CP đã vọt lên mức 114.700 đồng/CP kết phiên giao dịch cuối năm. Giá CP tăng gấp 10 lần đã đẩy tổng tài sản trên sàn của ông Quyết lên hơn 33.806 tỉ đồng, tương đương 1,5 tỉ USD, đưa thẳng ông lên ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán 2016, soán ngôi dẫn đầu của ông Phạm Nhật Vượng.
Nhưng cùng thời điểm, trong danh sách tỉ phú thế giới 2016 của Forbes, chỉ có tên tỉ phú Việt duy nhất là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đứng ở vị trí thứ 1.011, với khối tài sản trị giá 2,2 tỉ USD tính đến ngày 31.12.2016. Điều này khiến thị trường hoang mang và không biết liệu ngôi vị "giàu nhất” thuộc về ai mới chính xác?
Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, hiện tượng này không khó lý giải. Tại VN, công thức tính “người giàu” mới đơn thuần và máy móc là lấy vốn hóa nhân với giá CP thành tiền, nhưng tổ chức nước ngoài thì đào xới số liệu trong một thời gian dài và dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau: từ tính thanh khoản của CP, lịch sử thanh khoản của CP, tính ổn định và bền vững của doanh nghiệp, nợ nần của doanh nghiệp… “Giá của một CP cao là một chuyện, mà việc chuyển CP đó ra thành tiền là một chuyện khác. Có thể bán nhanh chóng khi cần hay không là tiêu chí hàng đầu đối với một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán”, TS Hiển nói. Vì vậy, với những CP mới “chân ướt chân ráo” lên sàn, thì có thể các tổ chức nước ngoài vẫn chỉ đang quan sát.
Nhưng năm 2016 là một năm thịnh vượng đối với Vingroup (VIC) khi doanh thu 9 tháng đã tăng đến 80%, đẩy lợi nhuận sau thuế đạt 3.094 tỉ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đã đạt hơn 100% so với kế hoạch năm. Có điều, giá CP VIC cuối năm ở mức 42.000 đồng/CP, chỉ tăng 7.000 đồng so với đầu năm, khiến tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ tăng thêm 5.000 tỉ đồng so với đầu năm, lên mức 30.400 tỉ đồng. Nếu theo “công thức” tính người giàu Việt, ông Vượng tạm thời lùi về vị trí thứ hai sau 7 năm liên tục dẫn đầu câu lạc bộ tỉ phú trên sàn.
Một gương mặt nổi tiếng của lĩnh vực bất động sản cũng lần đầu tiên gia nhập câu lạc bộ người giàu trên sàn là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc NoVa - NVL. Ngày 28.12.2016, Tập đoàn Novaland chính thức niêm yết gần 590 triệu CP NVL với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP. Với mức giá 60.000 đồng/CP đóng phiên cuối năm, Novaland có vốn hóa hơn 35.000 tỉ đồng, tương đương gần 1,6 tỉ USD, trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai trên sàn chứng khoán. Ông Nhơn sở hữu riêng 21,41% cổ phần, tương đương hơn 7.584 tỉ đồng, trở thành người giàu thứ 4 trên sàn ngay sau khi niêm yết. Nếu tính luôn khoản gián tiếp nắm giữ 38,9% cổ phần NVL thông qua 2 công ty Novagroup và Diamond Properties do ông cùng vợ và 2 con sở hữu 100% vốn, thì tổng giá trị nắm giữ ở NVL của ông là 21.500 tỉ đồng.
Ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS) kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH) cũng lần đầu tiên góp mặt vào danh sách người giàu. Ông Đỗ Hữu Hạ từng nắm giữ vị trí thứ 5 trong danh sách cập nhật của Báo Thanh Niên vào tháng 10, nhưng do giá CP của HHS giảm mạnh 70% kể từ đầu năm, từ 10.000 đồng/CP trượt xuống quanh mức 3.600 đồng/CP, và CP TCH cũng hết đà tăng nóng, quay lại với giá ban đầu quanh mức 16.000 đồng, khiến tổng trị giá tài sản của ông Hạ giảm mạnh, còn 2.571 tỉ đồng, đứng ở vị trí thứ 10.
Tỉ phú Việt ngày càng giàu hơn
Các tỉ phú Việt ngày càng giàu có hơn, khi để lọt vào danh sách 10 người giàu nhất sàn, tài sản tối thiểu phải đạt mức 2.500 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 1.500 tỉ đồng của năm ngoái. Bảy năm nay, VN chỉ có 1 tỉ phú USD, thì nay danh sách người giàu nhất sàn đã cho VN đến 2 tỉ phú USD, chiếm giữ 63% khối tài sản và tài sản mỗi người gấp 3 lần tài sản của người ở vị trí thứ ba.
Tổng tài sản của 10 người giàu nhất 2016 đạt hơn 101.000 tỉ đồng. Trong 3 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2016, thì 2 người - ông Quyết và ông Vượng - là những người giàu từ lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực “khuynh đảo” danh sách khi có đến 6/10 nhân vật trong lĩnh vực này.
Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết mới lên sàn giúp mức vốn hóa thị trường tăng mạnh khoảng 30%, đạt hơn 1,76 triệu tỉ đồng, tương đương 42% GDP. Đồng thời thanh khoản thị trường tăng 39% so với cuối năm 2015, đạt bình quân 6.860 tỉ đồng/phiên. Đây chính là một trong những lý do khiến danh sách “giàu nhất” đảo lộn với những gương mặt mới xuất hiện. Những gương mặt trong danh sách năm ngoái đã rời ra khỏi câu lạc bộ “giàu nhất” năm nay là ông Nguyễn Duy Hưng của SSI (vị trí thứ 9), ông Đoàn Nguyên Đức - Hoàng Anh Gia Lai (vị trí thứ 4), bà Nguyễn Hoàng Yến của Masan (vị trí 6).
Những gương mặt cũ
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sở hữu 25,15% cổ phần HPG, tương đương 9.115 tỉ đồng, lùi từ vị trí số 2 của năm ngoái về vị trí người giàu thứ 3 trên sàn.
Bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch Vingroup (vợ ông Phạm Nhật Vượng), nắm giữ 4,73% cổ phần tại VIC tương đương 5.240 tỉ đồng vẫn tiếp tục là người phụ nữ giàu nhất trên TTCK với vị trí thứ 5 trong top 10 người giàu nhất.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) sở hữu 3.588 tỉ đồng, giữ vị trí thứ 6.
Bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch Vingroup giữ 3,16% cổ phần tương đương hơn 3.500 tỉ đồng, đứng ở vị trí thứ 7.
Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với giá trị CP đạt 2.649 tỉ đồng, đứng vị trí thứ 8.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) có cổ phần lên 2.634 tỉ đồng với vị trí thứ 9.

10 người giàu nhất thế giới năm 2016
Theo số tài sản tính đến ngày 31.12 đăng tải trên tạp chí Forbes, danh sách 10 người giàu nhất thế giới năm 2016 không có nhiều xáo trộn so với trước đó.
1. Bill Gates: người Mỹ, 61 tuổi, nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft, tài sản 83,7 tỉ USD.
2. Amancio Ortega: 80 tuổi, người Tây Ban Nha, đồng sáng lập Tập đoàn thời trang Inditex (sở hữu thương hiệu Zara), tài sản 73,3 tỉ USD.
3. Warren Buffett: 86 tuổi, người Mỹ, cổ đông lớn nhất của Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, tài sản 73 tỉ USD.
4. Jeff Bezos: 52 tuổi, người Mỹ, nhà sáng lập Tập đoàn Amazon, tài sản 64,9 tỉ USD.
5. Carlos Slim Helu: 76 tuổi, người Mexico, cổ đông lớn nhất của báo The New York Times và nắm cổ phần nhiều tập đoàn lớn, tài sản 49,6 tỉ USD.
6. Mark Zuckerberg: 32 tuổi, người Mỹ, nhà sáng lập Facebook, tài sản 48,4 tỉ USD.
7. Larry Ellison: 72 tuổi, người Mỹ, nhà sáng lập Tập đoàn công nghệ Oracle, tài sản 47,7 tỉ USD.
8. David Koch: 76 tuổi, người Mỹ, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Koch Industries, tài sản trị giá 43,5 tỉ USD.
8. Charles Koch: 81 tuổi, người Mỹ, Giám đốc điều hành Koch Industries, tài sản 43,5 tỉ USD.
10. Michael Bloomberg: 74 tuổi, người Mỹ, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bloomberg, tài sản trị giá 40,3 tỉ USD.
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.