Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng dự án luật Dân số. Cơ quan này cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đang cao hơn mức sinh học tự nhiên. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 tỷ số này ở ngưỡng dưới 109 bé trai/100 bé gái, cần có thêm nhiều cố gắng.
Số liệu cho thấy, năm 2018, tỷ số giới tính là 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5; năm 2020 là 112,1; năm 2021 là 112; năm 2022 là 111,6; năm 2023 là 111,8. Sự gia tăng này được nhận định là bất thường, được các nhà lập pháp rất quan tâm.
Chỉ ra nguyên nhân, Bộ Y tế cho rằng tư tưởng ưa thích con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, đồng thời đánh giá thấp giá trị của nữ giới vẫn còn tồn tại. Việc thực hiện chính sách giảm sinh và quy mô gia đình ít con dẫn tới nảy sinh hiện tượng tiêu cực trong việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Hiện nay, pháp luật đã có quy định cấm lựa chọn giới tính khi sinh nhưng thực tiễn triển khai chưa như kỳ vọng. Một phần do chế tài còn thấp, một phần do rất khó để phát hiện, chứng minh hành vi vi phạm.
Điển hình là tình trạng nạo hút thai, siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nhất là các cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Một số nhân viên y tế ngầm thông báo về giới tính thai nhi; cung cấp thuốc, hóa chất để lựa chọn giới thai nhi; hoặc nói chuyện, viết, dịch các loại sách, tài liệu chứa đựng nội dung sinh con trai, con gái theo ý muốn.
Ngoài các lý do trên, việc chủ động sinh con theo ý muốn bằng can thiệp y khoa cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Chưa kể việc phụ nữ lấy chồng nước ngoài có xu hướng tăng ở một số địa phương có thể khiến vấn đề càng trầm trọng hơn.
Việt Nam có thể thừa 2,5 triệu nam giới vào năm 2059
Cơ quan soạn thảo tính toán, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt để giảm tỷ số giới tính khi sinh, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034. Con số này có thể tăng lên gần 2,5 triệu người vào năm 2059, tương ứng với 9,5% dân số nam.
Còn theo kịch bản khả quan nhất, số lượng nam giới dư thừa sẽ duy trì ở mức 1,8 triệu người vào năm 2059. Dù vậy, tỷ số này vẫn gây hệ lụy cho phát triển bền vững.
Tại hồ sơ đề nghị xây dựng luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất quy định các biện pháp, nội dung cụ thể nhằm can thiệp vào nguyên nhân cơ bản là tư tưởng "trọng nam khinh nữ".
Cùng đó là đảm bảo tốt hơn quyền của phụ nữ trong phát triển, giảm tác động của sự bất bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ, tạo dư luận xã hội ủng hộ, chống sự phân biệt, đối xử với phụ nữ.
Các chính sách cũng hướng đến việc ngăn ngừa tình trạng lạm dụng khoa học, công nghệ và tiếp cận dịch vụ y tế về lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chẩn đoán giới tính thai nhi.
Đồng thời tăng nặng mức xử phạt; nghiêm cấm việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, lưu hành các sản phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước khi sinh…
Bình luận (0)