Còn sừng hay không?
Hôm 11.5, ông Hà Công Tuấn - Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) - nói rằng vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra cái chết của một con tê giác tại VQG Cát Tiên (Đồng Nai). Trước đó, ông Tuấn đã ký công văn yêu cầu VQG phối hợp với công an địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân con tê giác chết. Theo ông Tuấn, con tê giác bị phát hiện đã chết từ trước đó nhiều ngày, vẫn còn sừng. Trong khi đó, thông cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết tại vị trí đầu mõm trên của cá thể Tê giác có dấu vết dao và không còn nguyên vẹn, khả năng là sừng đã bị lấy mất.
Chuyện xảy ra vào chiều 29.4, khi tổ công tác của VQG Cát Tiên và đại diện WWF đến nhánh suối chảy ra khu vực Bầu Trâu, thuộc địa bàn xã Gia Viễn, Cát Tiên (Lâm Đồng) để xác minh xác "một con thú lớn". Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện một bộ xương của loài thú lớn chết nằm cạnh mé suối, vùi dưới một lớp bùn sâu khoảng 0,4m và vẫn còn mùi hôi thối. Ngoài ra, nhóm còn phát hiện dấu chân của một loài thú lớn đi từ phía đỉnh đồi đến vị trí phát hiện bộ xương. Tổ công tác thu được hơn 52 kg xương các loại gồm: xương đầu, vai, sườn, đốt sống, xương các chân và 10 bộ móng. Toàn bộ mẫu vật được đưa về VQG Cát Tiên để quản lý.
Trên thế giới còn 5 loài tê giác khác nhau: tê giác đen (Diceros bicornis), tê giác trắng (Ceratotherium simuni), tê giác Ấn Độ hay tê giác châu Á lớn một sừng (Rhinoceros unicornis), tê giác Sumatra hay tê giác châu Á lớn 2 sừng (Dicerorhinus sumatrensis), tê giác Java hay tê giác nhỏ một sừng (Rhinoceros sondaicus). Cả 5 loài trên đều có nguy cơ tuyệt chủng và đã được đưa vào sách Đỏ của IUCN (Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế). Trong đó, quý hiếm nhất là tê giác Java hiện chỉ còn 50 - 70 cá thể, sống ở rừng núi rậm rạp vùng Ujung Kulon (Indonesia) và VN. |
VQG Cát Tiên cho biết, qua các mẫu xương, mẫu phân cũng như dấu vết còn lại tại hiện trường, bước đầu có thể kết luận đây là bộ xương của cá thể tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus) thời gian chết khoảng 3 - 5 tháng trước. "Không phát hiện dấu hiệu tác động của con người, mà có dấu hiệu dầm mình dưới bùn đất, phù hợp với tập tính sinh thái của loài tê giác một sừng VN là trước khi chết thường tìm nơi có bùn lầy để dầm mình vùi xác", một lãnh đạo VQG Cát Tiên phân tích.
Hiện nay, VQG Cát Tiên đang kiểm tra, sắp xếp lại bộ xương, xác định loài, phát hiện các xương còn thiếu để tìm kiếm, đồng thời điều tra xác minh nguyên nhân tê giác chết, nắm bắt số cá thể tê giác còn lại.
Chỉ còn vài con
Mối quan tâm của cộng đồng, các nhà bảo tồn trong và ngoài nước về tê giác ở VN được khơi dậy khi năm 1988, một thợ săn bắn chết một con tê giác cái ở khu vực gần sông Đồng Nai. Sau nhiều đợt điều tra khảo sát, các chuyên gia Viện Điều tra quy hoạch rừng, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng khẳng định còn một quần thể tê giác một sừng cực kỳ quý hiếm ở rừng Cát Lộc (rộng 27.530 ha) thuộc 2 huyện Cát Tiên và Bảo Lâm (Lâm Đồng). VQG Cát Tiên cũng đã chụp được 12 kiểu ảnh tê giác bằng kỹ thuật bẫy ảnh, điều này chứng minh chắc chắn loài tê giác còn có mặt ở đây.
Thế nhưng, qua nghiên cứu, đánh giá về số lượng cá thể và vùng phân bố của loài tê giác VN, đến nay vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu cá thể tê giác sống tại VQG Cát Tiên. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho rằng có khoảng 3 - 5 cá thể tê giác một sừng sống tại VQG này. Do tác động của dân cư trong vùng quá mạnh nên tê giác chỉ co cụm trong phạm vi khoảng hơn 5.000 ha ở khu vực Cát Lộc. Dù vậy, đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết của tê giác con tại khu vực này.
Hiện VQG Cát Tiên đang tích cực điều tra thu thập các chứng cứ một cách khoa học (có cả phối hợp với các nhà khoa học nước ngoài) để nghiên cứu, đánh giá số lượng cá thể, cấu trúc đàn, số cá thể đực - cái để tìm các giải pháp tốt nhất cho bảo tồn.
Gia Bình - Quang Duẩn
Bình luận (0)