Việt Nam còn thiếu doanh nghiệp cỡ vừa

31/10/2015 06:41 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên , TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam vẫn trăn trở về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp, khi vẫn còn hơn 54.000 đơn vị phá sản, giải thể dù GDP tăng trưởng khá.

Trao đổi với Thanh Niên, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam vẫn trăn trở về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp, khi vẫn còn hơn 54.000 đơn vị phá sản, giải thể dù GDP tăng trưởng khá.

Doanh nghiệp cần liên kết trong chuỗi giá trị để cùng bơi ra biển lớn - Ảnh: Anh VũDoanh nghiệp cần liên kết trong chuỗi giá trị để cùng bơi ra biển lớn - Ảnh: Anh Vũ
Giảm thuế, xóa nợ hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo của Chính phủ năm nay GDP có thể tăng trưởng 6,5%. Tuy nhiên, 9 tháng qua cả nước có hơn 54.000 doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, dừng hoạt động. Đây có phải là tín hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế, thưa ông?
Trước hết, phải nói sức mạnh của nền kinh tế phụ thuộc vào sức khỏe của DN. Mặc dù, môi trường kinh tế vĩ mô đã có sự ổn định, tiến bộ nhưng ở tầm vi mô hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn rất khó khăn. Số DN đóng cửa, giải thể, phá sản dù đã cải thiện nhưng vẫn còn cao. Hiện nay, theo thống kê cả nước còn hơn 500.000 DN đang hoạt động có trên 60% DN kinh doanh không có lãi, không có khả năng nộp thuế thu nhập DN. Điều đó cho thấy bức tranh hiệu quả hoạt động của DN rất thấp.
TS Vũ Tiến Lộc
       
Tại kỳ họp này, Chính phủ xem xét trình sửa đổi một số điều luật thuế. Theo ông, cần phải tập trung vào nội dung gì để hỗ trợ DN?
Tôi nghĩ sửa đổi luật thuế cũng như pháp luật khác về kinh doanh, phải đảm bảo mục tiêu đầu tiên là đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính để đảm bảo thuận lợi cho các DN. Làm sao để tạo ra môi trường minh bạch, dễ tiên lượng hơn và tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho DN. Ngành thuế suốt từ năm ngoái đến nay đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản giảm thời gian thủ tục thuế 872 giờ về 171 giờ. Nhưng như vậy chưa đủ, cần phải có hỗ trợ cụ thể hơn về thuế suất, đặc biệt ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp phụ trợ, DN xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng trong nhóm FTA, TPP.
Hơn bao giờ hết, nếu bây giờ được hỗ trợ về thuế sẽ tạo tiền đề DN trụ vững, hồi phục, phát triển. Từ đó họ mới gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm, lợi nhuận và tăng thu cho ngân sách.
Trong dự thảo luật thuế sửa đổi lần này có quy định xóa tiền chậm nộp, phạt chậm nộp thuế. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Phải nói thời gian vừa rồi nhiều DN khó khăn, không có khả năng nộp thuế. Nên các biện pháp giãn, hoãn, giảm, xóa nợ cho DN là rất cần thiết. DN khu vực tư nhân hiện nay vẫn còn quá yếu, số phá sản và giải thể vẫn còn cao. Do đó, chính sách xóa nợ thuế, miễn và giảm thuế cũng cần phải tập trung vào khu vực này để đảm bảo công bằng, sự phát triển chung của cả nền kinh tế.
96% DN nhỏ và siêu nhỏ
Ngôn ngữ của giai đoạn hội nhập là chuỗi, nó chỉ hình thành trên sự chủ đạo của DN lớn và vừa, còn DN nhỏ, siêu nhỏ không thể nào kết nối được. DN cỡ vừa sẽ là cứu tinh của VN trong bối cảnh hiện nay vì nó vừa sức với sự phát triển của nền kinh tế
 
VN đang thiếu những DN nền tảng, chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, liệu nền kinh tế có thể lớn mạnh với thực lực này không, thưa ông?
Xét vì quy mô, cộng đồng DN đang có bất ổn. Hiện 96% là DN cỡ nhỏ và siêu nhỏ, khoảng chưa đầy 2% DN lớn, và 2% cỡ vừa. Ta thiếu DN lớn, đẳng cấp vì mới chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng chúng ta chưa có được lực lượng DN vừa thì đó là bất ổn, là căn bệnh và hội chứng rất nguy hiểm. Bởi vì, chỉ DN cỡ vừa và lớn mới đủ sức trở thành sợi dây liên kết nền kinh tế VN với thế giới.
Ngôn ngữ của giai đoạn hội nhập là chuỗi, nó chỉ hình thành trên sự chủ đạo của DN lớn và vừa, còn DN nhỏ, siêu nhỏ không thể nào kết nối được. DN cỡ vừa sẽ là cứu tinh của VN trong bối cảnh hiện nay vì nó vừa sức với sự phát triển của nền kinh tế.
Ông có khuyến nghị gì dành cho DN, khi kể từ năm sau họ phải tham gia sân chơi toàn cầu khá khắc nghiệt thông qua các FTA, TPP?
Với các DN, điều quan trọng sống còn bây giờ là phải nhanh chóng tiếp cận thông tin về hội nhập, các hiệp định đã ký kết. Trên cơ sở đó phân tích ảnh hưởng lộ trình mở cửa, giảm thuế đối với ngành, lĩnh vực của mình. Phải chuẩn bị một chương trình hành động nhưng không được riêng lẻ mà phải đặt trong thế liên kết chuỗi với các DN khác mới có thể ra khơi.
Để tận dụng được cơ hội giảm thuế, mở cửa thị trường xuất khẩu, DN phải định vị lại thị trường, hướng ngay vào thị trường các nước tham gia TPP, FTA. Đó là thị trường có ưu đãi, có mức thuế suất thuận lợi nhất. DN nên tìm ngay đối tác tại các thị trường này để thiết lập quan hệ làm ăn, tổ chức lại sản xuất kinh doanh để đáp ứng được tiêu chuẩn về xuất xứ. Trước kia, có thể mua nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc, bây giờ để được ưu đãi về thuế quan thì buộc phải sử dụng nguyên liệu nội khối. Có nghĩa không chỉ định hướng lại đầu ra mà còn phải điều chỉnh cả đầu vào. Thứ ba, bên cạnh thuế quan giảm, đối với thị trường TPP họ đòi hỏi gắt gao về tiêu chuẩn kỹ thuật, muốn thâm nhập phải vượt qua rào cản, phải tổ chức lại sản xuất, đảm bảo điều kiện vệ sinh thực phẩm, dịch tễ an toàn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.