Điều 76 Công ước Luật Biển xác định thềm lục địa của một quốc gia ven biển là đáy biển và lòng đất của phần kéo dài tự nhiên thuộc lãnh thổ quốc gia ven biển đến mép ngoài của rìa lục địa. Nếu rìa lục địa nhỏ hơn 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải quốc gia ven biển thì thềm lục địa quốc gia ven biển là 200 hải lý. Nếu rìa lục địa quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá 200 hải lý, nhưng tối đa không quá 350 hải lý.
Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát toàn diện về tình hình địa chất, địa mạo thềm lục địa VN, các cơ quan hữu quan nước ta đã xây dựng báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa VN ở khu vực phía bắc và phối hợp với Malaysia xây dựng báo cáo chung về khu vực phía nam biển Đông, trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ đúng thời hạn quy định.
* Hôm qua 8.5, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của VN về việc ngày 7.5 phái đoàn Trung Quốc tại LHQ gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối việc VN nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng khẳng định nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của VN ở biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Ông Lê Dũng nhắc lại “một lần nữa, chúng tôi khẳng định VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa".
TTXVN - Hương Giang
Bình luận (0)