Việt Nam đã qua khỏi "mắt bão"

01/01/2009 01:52 GMT+7

Nhân dịp đầu năm mới, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, xung quanh những vấn đề liên quan đến nền kinh tế VN.

* Năm 2008 đã trôi qua với rất nhiều biến động đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Ông dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2009?

- Rất khó dự báo vì chúng ta chịu tác động của kinh tế toàn cầu, trong khi kinh tế toàn cầu lại có một vấn đề chưa rõ ràng, đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 có đưa kinh tế thế giới đến khủng hoảng trong năm 2009 hay không? Tôi hy vọng với sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ trên thế giới thì kinh tế toàn cầu 2009 dù suy giảm nhưng không khủng hoảng và sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Cái nhìn thấy rõ nhất ở năm 2009 là sức cầu trên thế giới giảm. Vì vậy, nếu Chính phủ triển khai ngay các dự án kích cầu thì trong 6 tháng đầu năm 2009 chúng ta vẫn có thể duy trì được thị trường. Tuy nhiên, nỗ lực sử dụng gói kích cầu cũng khiến lạm phát có thể trở lại vào cuối quý 3/2009. Đây là nguy cơ chúng ta phải lường trước để tính toán lại những biện pháp của mình một cách chặt chẽ hơn.

 

Tiến sĩ Trần Du Lịch

* Theo ông, gói kích cầu của Chính phủ  sẽ tác động thế nào đến kinh tế trong nước trong năm 2009?

- Tôi phải nói rõ là Chính phủ không cấp tín dụng cho bất cứ ai mà là bù lãi suất cho doanh nghiệp. Theo Chính phủ thì "điện, đường, trường, trạm...", những gì sử dụng nhiều vật tư trong nước, sử dụng nhiều lao động sẽ được hỗ trợ lãi suất. Theo tính toán của tôi, áp dụng bù lãi suất thì có thể giúp doanh nghiệp huy động trên 400.000 tỉ đồng, bằng 1/3 tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam. Như vậy, biện pháp này có lợi cho cả đầu ra của ngân hàng thương mại chứ không chỉ doanh nghiệp. Nó kích cả thị trường tín dụng cho hệ thống ngân hàng và chia sẻ được gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nói lại, nếu thế giới xảy ra lạm phát vào cuối năm tới thì do độ trễ của các gói kích cầu, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ  tái lạm phát vào khoảng quý 3/2009.

* Để tránh nguy cơ tái lạm phát vào cuối năm 2009, chúng ta phải làm gì ?

-  Việc theo dõi tín hiệu thị trường rất quan trọng. Ví dụ như các nguồn tín dụng đi vào đâu, chỉ số giá cả và điều hành lãi suất sao cho đủ sức huy động tiền gửi mà không làm người ta chuyển sang các loại tiền khác. Nói cách khác, năm 2009 theo tôi phải duy trì một mức lãi suất dương hấp dẫn.

* Trước những khó khăn đã được dự báo trước của kinh tế năm 2009, theo ông chúng ta nên tận dụng khoảng thời gian "không tăng trưởng" này cho mục đích gì?

- Tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là cơ hội để chúng ta cơ cấu lại đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh. Giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nội bộ nền kinh tế do quá trình phát triển nặng về lượng nhưng kém về chất trong những năm qua để lại. Cơn bão tài chính toàn cầu buộc chúng ta phải xem xét lại độ bền vững "ngôi nhà" của mình. Đây là những vấn đề cơ bản nhất của kinh tế Việt Nam trong bài toán phát triển trung và dài hạn nhưng phải được hoạch định và thực thi ngay từ năm 2009 - 2010.

* Trong tình hình còn nhiều khó khăn của năm nay, điều gì khiến ông tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ vượt  qua được?

 - Việt Nam có 2 điểm đặc biệt mà các chuyên gia kinh tế trên thế giới phải thừa nhận là niềm lạc quan và tin tưởng. Doanh nghiệp Việt Nam cũng hết sức linh hoạt và nhạy bén. Đây là những điểm cần khai thác. Nếu nhìn trên 2 phương diện này và đặt mục tiêu cấu trúc lại nền kinh tế thì tôi cho rằng hoàn toàn không có gì đáng bi quan. Hơn nữa, Chính phủ đã phản ứng linh hoạt hơn rất nhiều thông qua những hành động cụ thể như chọn thầu, chỉ định thầu thay cho đấu thầu; triển khai gói kích cầu kịp thời; thống nhất việc hỗ trợ lãi suất... Có thể nói, quan điểm đã thống nhất, chỉ còn là hành động mà thôi. Đến lúc này, tôi cảm thấy lạc quan. Con tàu kinh tế Việt Nam đã đi qua một khe hẹp giữa một bên là băng tuyết (sự đóng băng của tài chính và bất động sản thế giới) và một bên là lửa (giá cả tăng vọt). Chúng ta đã qua được vùng "mắt bão" nguy hiểm nhất thì không có gì phải bi quan.

Mục tiêu toàn diện năm 2009: Ngăn chặn suy giảm kinh tế

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2009 diễn ra ngày 31.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Năm 2009, nền kinh tế vẫn nằm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế chưa thấy có điểm dừng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ bị tác động như xuất khẩu giảm, sản xuất giảm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm lại, du lịch giảm, kiều hối giảm,... Vì vậy mục tiêu đặt ra toàn diện cho năm 2009 là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Những giải pháp đã được Chính phủ đề ra như tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu; kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội; chính sách tài chính - tiền tệ phải linh hoạt và phù hợp để hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu; các cơ quan hành chính nhà nước cũng phải điều hành linh hoạt và phù hợp với thực tế.

Mai Phương - Thu Hằng

Nguyên Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.