Đó là chia sẻ từ ông Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH-CN) tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, do Báo điện tử VOV tổ chức ngày 17.4, tại Hà Nội.
Theo ông Chử Đức Hoàng, khó khăn mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt là khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số. Nguyên nhân chính là do thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn sơ khai.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó ở khâu kết nối và chia sẻ dữ liệu, khi gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các bộ, ngành, chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở. Khi chuyển đổi số, nguy cơ rủi ro an ninh mạng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược ứng phó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế, hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ; chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.
Phân tích sâu về điều kiện hạ tầng, ông Chử Đức Hoàng cho rằng, hạ tầng 5G còn hạn chế, thiếu nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh đang là những thách thức của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam hiện có nguồn nhân lực công nghệ thông tin khoảng 500.000 người, trong khi nhu cầu tới năm 2025 là 1 triệu người; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp.
Cũng theo ông Chử Đức Hoàng, Việt Nam có nhu cầu khoảng 50.000 sinh viên ngành bán dẫn và hiện nay đã có nhiều trường, doanh nghiệp tham gia đào tạo.
"Trong ngành bán dẫn, các doanh nghiệp nên đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ để phát triển các nghiên cứu, nếu chỉ làm các mảng nhỏ là thiết kế vi mạch thôi thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đi làm thuê cho các nước thôi", ông Hoàng gợi ý.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Tạ Thị Yên, Phó trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xu hướng tất yếu và mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn hiện nay là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh để có tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này.
Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung chuyển đổi, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, có giải pháp sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hướng tới thiết kế, sản xuất những sản phẩm có khả năng tái chế, giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm cho môi trường.
Bình luận (0)