Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... Giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu Việt Nam đạt thứ hạng năng lực cạnh tranh sau: thuộc nhóm 50 nước đứng đầu phát triển bền vững (xếp hạng của Liên Hiệp Quốc - UN); năng lực đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng ít nhất 3 bậc.
Chính phủ điện tử (xếp hạng của UN) tăng ít nhất 5 bậc; hiệu quả logistics (LPI) theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc.
Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; an toàn, an ninh mạng theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu.
Mục tiêu năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Về năng lực đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của WIPO: nâng xếp hạng nhóm chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc...
Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.
Đặc biệt, tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết này.
Bình luận (0)