Chủ tịch nước: Xử lý doanh nghiệp sai phạm để môi trường kinh doanh lành mạnh

26/04/2023 17:07 GMT+7

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, việc xử lý sai phạm với một số doanh nghiệp trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch và để loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất trong cơ quan nhà nước.

Đó là thông điệp được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), diễn ra ngày 26.4, tại Hà Nội.

Cùng dự có Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh; Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành T.Ư...

Xử lý sai phạm doanh nghiệp để môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VCCI

GIA HÂN

Cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước

Chia sẻ tại buổi lễ, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trên chặng đường 60 năm qua, từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên toàn quốc gồm trên 200.000 hội viên và trên 200 hiệp hội doanh nghiệp. 

VCCI là tổ chức tiên phong trong phát động, triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp như: nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân; chủ động đề xuất, tham gia xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế - là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân.

VCCI đã nghiên cứu, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 và tiến hành công bố hàng năm, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở các địa phương; phát động phong trào thúc đẩy khởi nghiệp với Chương trình Khởi nghiệp quốc gia từ năm 2002.

Xử lý sai phạm doanh nghiệp để môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng - Ảnh 2.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, VCCI đã trở thành cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

GIA HÂN

Bên cạnh đó, VCCI đi đầu trong dẫn dắt, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, với việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững từ năm 2010 và đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững hàng năm. 

Gần đây nhất, năm 2022, VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và phát động việc áp dụng các quy tắc đạo đức này trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Theo đó, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh: "VCCI hiện đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước".

 Hiện nay, định kỳ hàng tháng, hàng quý, VCCI đều tổng hợp kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết. 

Ngoài ra, mỗi năm hệ thống VCCI trong cả nước tổ chức hàng nghìn hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tư vấn đào tạo doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và phát triển sản xuất kinh doanh. VCCI cũng là chỗ dựa và kết nối hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước.

Doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của VCCI trong tham gia phát triển nền kinh tế đất nước và xây dựng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng minh bạch, lành mạnh. Đến nay, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có sự lớn mạnh vượt bậc, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30.000 hợp tác xã.

Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động là công cụ đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đông đảo, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt tầm quốc tế và các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh với nước ngoài.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, để phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, thì một trong những đòi hỏi quan trọng là xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ năng lực ngang tầm khu vực và thế giới.

Xử lý sai phạm doanh nghiệp để môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng hoa các doanh nghiệp tham gia Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

GIA HÂN

Trước toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là lực lượng nòng cốt chủ lực trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng chia sẻ về những yêu cầu, định hướng của Đảng, Nhà nước trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó lưu ý, các doanh nhân phải tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng, coi đây là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững. 

Chủ tịch nước khẳng định: "Việc xử lý sai phạm với một số doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho các doanh nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội, để loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất trong cơ quan nhà nước".

Theo đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng để làm, để phát huy và điều gì sai, không nên làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.