Đó là chia sẻ từ ông Tô Mạnh Hà, Ban Quản lý Nông - lâm - thủy sản (Tập đoàn T&T), tại hội thảo khoa học về chủ đề: Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản, do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (PTNNNT) tổ chức ngày 2.11 tại Hà Nội.
Làm logistics tốt, nông sản không ùn ứ
Theo Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT, chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất cao trong giá thành sản phẩm nông lâm sản. Cụ thể, với thủy sản, chi phí logistics chiếm 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả chiếm 29%, gạo chiếm 30%.
Đáng lưu ý, chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, Singapore 300%. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP, trong khi thế giới chỉ 11% GDP.
Theo các doanh nghiệp, hạ tầng logistics đang là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu, khả năng tận dụng cơ hội kinh doanh. Ông Tô Mạnh Hà, Quản lý kinh doanh, Ban Quản lý Nông - lâm - thủy sản (Tập đoàn T&T), cho biết Việt Nam nằm sát thị trường lớn Trung Quốc nhưng hạ tầng logistics chưa khai thác được lợi thế này.
Hiện nay, một xe sầu riêng đi từ Đắk Lắk đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc mất 7 ngày nếu cửa khẩu thông thoáng. Nếu ùn tắc, xe phải nằm chờ, riêng tiền dầu chạy xe tốn thêm 2,5 triệu đồng/ngày.
"Nếu Lạng Sơn hay các cửa khẩu lớn có đủ bến bãi tập trung, xe hàng đưa lên vào đó nằm chờ xuất khẩu thì không có chuyện ùn tắc", ông Hà nói.
Từ góc nhìn doanh nghiệp logistics, ông Lê Minh, Giám đốc Công ty cổ phần kho vận Việt Nam, than phiền logistics nông nghiệp nhiều năm nay "bị mang tiếng là giá cao". Nhưng doanh nghiệp cũng có nỗi khổ riêng, phải đầu tư rất lớn từ xe cộ, kho bãi, thiết bị bốc xếp hàng… và chỉ mong có đủ hàng để chạy.
Theo ông Minh, nguyên nhân đến từ đặc điểm nhiều loại nông sản có thời vụ, thu hoạch rộ trong thời gian rất ngắn. Các vùng sản xuất nhỏ lẻ rất khó gom hàng tập trung và tính liên kết, phối hợp giữa các đơn vị sản xuất còn yếu, mạnh ai nấy làm.
"Nhiều chuyến xe từ phía nam ra phía bắc chở tối đa 25 tấn nhưng thực tế có những chuyến chỉ có hơn chục tấn hàng thôi. Xót xa chạy xe rỗng, chúng tôi thuyết phục khách hàng ghép chuyến để giảm chi phí nhưng họ không chịu. Chưa kể doanh nghiệp logistics thường xuyên bị lật kèo, khách ký hợp tác theo năm nhưng nếu có đơn vị khác chào giá mỗi chuyến thấp hơn vài trăm nghìn đồng là họ đơn phương phá hợp đồng", ông Minh nói.
Thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư
TS Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT, cho rằng ở các cửa khẩu, cảng lớn, bãi tập kết hàng hóa nông sản không đảm bảo, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập, xảy ra tình trạng ùn tắc. Ở trong nước, một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương đang còn thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
"Các trung tâm này khác với các chợ truyền thống hay chợ đầu mối vì các chợ chủ yếu thực hiện bán buôn, bán lẻ nông sản trong khi các trung tâm logistics có dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lưu trữ, bảo quản kho lạnh, sơ chế, chế biến sâu, vận tải quốc tế hay các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu", ông Phong nói.
Theo ông Tô Mạnh Hà, để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, đầu tư logistics trong nông nghiệp nên tập trung vào những ngành hàng thế mạnh, giá trị xuất khẩu ít nhất từ 1 tỉ USD trở lên.
Ông Lê Minh cho rằng, để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản thì giữa khâu tổ chức sản xuất và logistics phải hợp tác chặt chẽ để "đôi bên cùng có lợi".
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cho biết Việt Nam nên tham khảo cách làm của Đài Loan. Từ năm 2021, Đài Loan bắt đầu thúc đẩy và tăng nguồn lực đầu tư phát triển các chuỗi lạnh cho sản phẩm nông nghiệp, đến nay đã thiết lập được các trung tâm logistics hàng đầu trong ngành trồng trọt, ngư nghiệp, chăn nuôi.
Cũng theo bà Linh, Chính phủ nên xem xét phát triển các mô hình PPP để đẩy nhanh đầu tư cho cơ sở hạ tầng để sớm giải quyết được những thách thức logistics trong nông nghiệp hiện nay.
Theo TS Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT đang xây dựng Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của cả nước giai đoạn 2023 - 2030.
Đề án đặt mục tiêu giảm 0,5 - 1%/năm tổn thất sau thu hoạch; giảm 30% chi phí logistics nông sản khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản; 100% nông sản qua hệ thống trung tâm logistics nông sản được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ở các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung sẽ có trung tâm dịch vụ logistics, trong đó sẽ có 70% số hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp; 100% hợp tác xã sử dụng dịch vụ logistics.
Bình luận (0)