Việt Nam không phủ nhận khả năng đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế

Vũ Hân
Vũ Hân
23/08/2019 06:17 GMT+7

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng không phủ nhận thông tin Việt Nam có thể cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế ; khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của mình.

Yêu cầu Trung Quốc rút tàu, chấm dứt ngay vi phạm

VN sẽ tham gia diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ

Cũng trong chiều 22.8, trả lời câu hỏi về cuộc diễn tập hàng hải chung giữa ASEAN và Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết VN sẽ tham gia cuộc diễn tập. “Theo thông tin chúng tôi được biết thì cuộc diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2 - 6.9. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, VN sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, bà Lê Thị Thu Hằng nói. Về thông tin hỏa lực và phương tiện VN sẽ gửi đến cuộc diễn tập, bà Hằng cho biết sẽ phải chuyển đến cơ quan chức năng là Bộ Quốc phòng VN mới có được các thông tin cụ thể. Trước đó, tờ Bangkok Post đưa tin cuộc diễn tập 5 ngày sẽ có sự tham gia của ít nhất 8 tàu cùng với máy bay, bắt đầu từ căn cứ hải quân Sattahip tại tỉnh Chonburi và kéo dài tới tỉnh cực nam của VN là Cà Mau.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22.8, vấn đề Biển Đông tiếp tục là tâm điểm với nhiều câu hỏi về phản ứng, đặc biệt là những hành động cụ thể của VN khi nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 đã quay lại hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN từ ngày 13.8, chỉ vài ngày sau khi VN tuyên bố nhóm tàu này đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết những ngày qua (từ 13.8 đến nay), nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). VN đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN, không tiếp tục có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh của Biển Đông và khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo chiều 22.8

Ảnh: Bộ Ngoại giao

Cũng theo bà Hằng, các lực lượng chức năng trên biển VN tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp VN. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, VN luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Lê Thị Thu Hằng “đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực; an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982”. Trả lời câu hỏi về thông tin của một số nhà quan sát cho rằng tình hình thực địa đang gia tăng căng thẳng, dựa theo các dữ liệu hàng hải về số tàu của cả VN và Trung Quốc có mặt ở khu vực, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết bà đã nêu rõ tình hình trong câu trả lời trước, kể cả về thực địa.
Liên quan đến việc một số hãng tin Ấn Độ dẫn “nguồn tin ngoại giao của VN” cho biết VN có thể sẽ đưa vụ việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có thể cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, bà Lê Thị Thu Hằng không phủ nhận và cho biết: “VN kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của VN bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”.

Mỹ quan ngại về sự can thiệp
của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của VN

Ngày 22.8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của VN khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc đã đặt dấu hỏi nghiêm túc về những cam kết của Bắc Kinh về giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò thuộc sở hữu của chính phủ, cùng với các tàu hộ tống có vũ trang, tại vùng biển VN vào ngày 13.8 vừa qua là "hành động leo thang của Bắc Kinh trong các nỗ lực nhằm đe dọa nước khác có tuyên bố chủ quyền đang khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông". 
TTXVN

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để yêu sách

Liên quan đến việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược tuyên bố rằng vùng tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đang hoạt động là vùng thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN kiên quyết bác bỏ và nhấn mạnh: “VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
“Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8, chúng tôi đã nói rõ nhiều lần. Đây là vùng biển hoàn toàn của VN được xác định theo đúng các Công ước về luật Biển năm 1982”, bà Hằng nêu rõ.
Nêu quan điểm về việc này, TS Phạm Lan Dung, Tổng thư ký Hội Luật quốc tế VN, nhấn mạnh: "Vùng biển nam Biển Đông mà nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 vi phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của VN. Đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vị trí vi phạm nằm cách bờ biển VN không quá 200 hải lý. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để yêu sách ở vùng này, vì nó cách đảo Hải Nam tới hơn 500 hải lý, không nằm trong một phạm vi nào luật pháp quốc tế và công ước luật biển cho phép".
Cũng theo TS Phạm Lan Dung, phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 đã khẳng định không thực thể nào ở Trường Sa có vùng biển quá 12 hải lý, nên dù Trung Quốc có đang chiếm đóng trái phép một số thực thể ở Trường Sa cũng không có cơ sở nào để đưa yêu sách ở nam Biển Đông. Hơn nữa, quần đảo Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo ở đây được. “Việc Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền với một số bãi san hô ngầm ở khu vực nam Biển Đông cũng hoàn toàn không có một cơ sở pháp lý nào. Theo UNCLOS 1982, bãi san hô ngầm không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền riêng rẽ, nên Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào cũng không được phép yêu sách chủ quyền với những bãi san hô ngầm này. Cũng theo UNCLOS, các bãi san hô ngầm này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia nào thì nó sẽ thuộc quyền chủ quyền của quốc gia đó. Ở đây, VN có quyền chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, có quyền thăm dò khai thác, đặt giàn khoan... hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”, TS Phạm Lan Dung nhấn mạnh.

Philippines quyết nêu phán quyết Biển Đông với Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua tuyên bố ông vẫn sẽ nêu phán quyết về Biển Đông trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 28.8 - 2.9, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nổi giận, theo tờ Philippine Daily Inquirer. “Điều đầu tiên tôi sẽ đề cập (với Chủ tịch Tập Cận Bình - NV) là có phán quyết của tòa trọng tài”, ông Duterte cho hay và nhấn mạnh không ai có thể bắt ông phải nói gì. Tổng thống Philippines nói rằng ông Tập từng yêu cầu ông không nêu phán quyết ngày 12.7.2016 của tòa trọng tài quốc tế vốn bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6.2016, ông Duterte chủ trương tạm gác phán quyết để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines mới đây tuyên bố đã đến lúc thảo luận về phán quyết trên với Chủ tịch Tập Cận Bình vì nhiệm kỳ 6 năm của ông sẽ sớm kết thúc. “Chúng ta không được phép chấp nhận Trung Quốc sở hữu biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông - NV) vì phán quyết của tòa trọng tài đã nêu rõ”, theo tờ The Philippine Star dẫn lời ông Duterte nhấn mạnh.     
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.