Với chủ đề “Kết nối cộng đồng và kinh tế cho sự tăng trưởng bao trùm”, hội nghị năm nay có hơn 4.000 đại biểu đại diện các chính phủ, các viện nghiên cứu, nhà kinh doanh và đại diện tổ chức xã hội dân sự khắp nơi trên thế giới.
Trong phát biểu chào mừng, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ADB, đề cập đến chiến lược dài hơi của ADB trong thời gian tới với tên gọi Chiến lược 2030 - hiện đang trong giai đoạn tham vấn và sẽ được ban hành trong năm nay.
Ông Nakao nhấn mạnh Chiến lược 2030 sẽ đề cập tới các thách thức truyền thống và các thách thức mới nổi ở khu vực. Ngoài vấn đề đói nghèo, các quốc gia sẽ phải tính đến tình trạng bất bình đẳng đang mở rộng, các áp lực môi trường và sự đô thị hóa nhanh chóng.
Sẽ có 10 ưu tiên trong chiến lược này, bao gồm giải quyết vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường bình đẳng giới; xây dựng các thành phố đáng sống; thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực; huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân để đáp ứng nhu cầu tài chính phát triển lớn của khu vực...
Đề cập đến triển vọng khu vực, Chủ tịch ADB nhấn mạnh khu vực ASEAN với tổng dân số 650 triệu người tiếp tục là khu vực năng động với triển vọng tăng trưởng lạc quan. Các nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 7% hoặc thậm chí cao hơn. Với tốc độ này, quy mô GDP của các nước sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 10 năm tới.
|
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Việt Nam đang là đối tác lớn nhất của ADB ở khu vực ASEAN với tổng dư nợ vay khoảng trên 16 tỉ USD. Thống kê của ADB cho thấy các khoản vay của Việt Nam chiếm gần 1 nửa tín dụng của định chế này cho khu vực.
Ông Tú nhấn mạnh, với việc kết thúc vay ưu đãi từ WB vào tháng 7 năm 2017, từ năm 2019, Việt Nam không còn nhận được các khoản vay ưu đãi từ ADB, nên đây là một giai đoạn chuyển dịch quan trọng.
“Chuyển sang vay thương mại nghĩa là chúng ta sẽ phải cân nhắc rất kỹ, khoản nào thực sự hiệu quả mới vay. Tại hội nghị lần này, chúng tôi cũng thảo luận với ADB việc cho các doanh nghiệp vay trực tiếp mà không cần bảo lãnh chính phủ để tăng tính chủ động và hiệu quả của các khoản vay, cũng như đảm bảo trần nợ công và an toàn tài chính quốc gia”, ông Tú cho biết.
Hiện Việt Nam chỉ còn khoản vay 613 triệu USD ưu đãi dành cho một số dự án hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho giáo dục đào tạo, công nghệ Fintech...
Trong chuyến đi này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề cập với ADB về việc giãn một số khoản nợ. Nếu đạt được thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm áp lực trả nợ trong vài năm tới, có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bình luận (0)