Việt Nam khuyến khích đầu tư sản xuất thuốc mới

Liên Châu
Liên Châu
17/12/2024 20:58 GMT+7

Việt Nam đang nhập khẩu dược phẩm 3,8 tỉ USD, trong khi xuất khẩu thuốc chỉ đạt hơn 280 triệu USD. Các chính sách đột phá khuyến khích đầu tư chuyển giao, phát triển thuốc mới sẽ được thực hiện ngay từ năm 2025.

Chi phí tiền thuốc tăng

Quy mô thị trường dược Việt Nam tăng trưởng hiện ước đạt 2,7 tỉ USD, chi phí tiền thuốc bình quân là 75 USD/người/năm so với trước đây là 25 USD/người/năm.

Tuy nhiên, Việt Nam đang nhập khẩu dược phẩm với 3,8 tỉ USD, chênh lệch lớn so với lượng xuất khẩu chỉ ước đạt hơn 280 triệu USD trong 2024.

Việt Nam khuyến khích đầu tư sản xuất thuốc mới- Ảnh 1.

Luật Dược có hiệu lực từ 2025 với các quy định đột phá, thu hút đầu tư và thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

ẢNH: TUẤN MINH

Thông tin được đại diện Cục Quản lý dược cho biết tại hội nghị phổ biến luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Dược, do Bộ Y tế tổ chức chiều nay 17.12, tại Quảng Ninh.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, cho hay luật Dược có hiệu lực từ 2025, bổ sung một số quy định mang tính đột phá hơn so với luật Dược năm 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, như: chính sách ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu; chính sách giữ giá, giảm giá với một số nhóm thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất; chính sách chuyển đổi số trong các hoạt động về dược; xác định quy mô dự án thuộc lĩnh vực dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Trong đó, chính sách giữ giá, giảm giá đối với thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc công nghệ cao, vắc xin, thuốc hiếm được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam để thu hút việc sản xuất, tăng nguồn thuốc cho người dân.

Từ năm 2025, áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với quy mô dự án thuộc lĩnh vực dược (thấp hơn các dự án lĩnh vực khác) nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm.

Đáng lưu ý, theo Cục trưởng Cục Quản lý dược Vũ Tuấn Cường, trước thực tế một thuốc có hàng chục, thậm chí cả trăm số đăng ký, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách kiểm soát số lượng giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với các thuốc có cùng dược chất, dược liệu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để hạn chế việc đăng ký ký lưu hành thuốc trùng lặp trên thị trường.

"Kiểm soát giấy đăng ký thuốc với các thuốc cùng dược chất giúp khắc phục tình trạng có quá nhiều thuốc cạnh tranh giảm giá, làm giảm chất lượng thuốc", ông Cường cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.