Nhân sự kiện khai trương phòng khám toàn diện về dự phòng và điều trị HIV tại Trung tâm Y tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hôm 17.11, Tổng lãnh sự Burns gọi đây là minh chứng của mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ-Việt Nam trong lĩnh vực y tế, đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.
Phòng khám được thành lập nhờ sự hỗ trợ và tham vấn của đội ngũ thực hiện chương trình Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp về AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR)
Tại sao cần phải có phòng khám toàn diện về dự phòng và điều trị HIV trên đảo Phú Quốc?
Bà Susan Burns: Nhờ vào kỹ thuật xét nghiệm phát hiện nhiễm mới, giới hữu trách tìm ra những ca mắc HIV gần đây (chỉ thời gian dương tính trong vòng 12 tháng và rất quan trọng trong việc xác định đúng nhóm trọng điểm để ứng phó). Và chúng ta có thể biết được thông tin dựa trên cơ chế thu thập dữ liệu tuyệt vời đang được Việt Nam triển khai.
Một khi phát hiện, điều quan trọng là phải tiến hành điều trị ngay. Do vị trí địa lý của Phú Quốc, người nghi nhiễm HIV phải di chuyển vào đất liền, chờ khoảng 2 tuần mới có kết quả, gây chậm trễ công tác trị liệu (và trong trường hợp tệ hơn là mất dấu nếu họ không quay lại).
Ở đây, tôi chứng kiến sự ứng phó chùm lây nhiễm của cơ quan y tế công cộng. Về cơ bản, đây là sự tiếp cận nhanh chóng và tổng lực của chính phủ nhằm kiểm soát nguy cơ lây lan, và thật sự tuyệt vời khi tôi có thể làm chứng nhân cho nỗ lực đó.
Bà nghĩ gì về điểm thuận lợi của phòng khám toàn diện?
Bà Susan Burns: Với việc khai trương phòng khám toàn diện ở trung tâm, khách hàng (chỉ người nhiễm HIV) có thể hoàn tất mọi thứ trong ngày, từ khâu xét nghiệm, lấy kết quả và nhận ngay thuốc điều trị miễn phí trong trường hợp dương tính. Hãy tưởng tượng điều đó có ý nghĩa thế nào cho người vừa tiếp nhận tin sốc. Và rõ ràng việc hành động nhanh chóng giúp kiểm soát tốt.
Phòng khám cũng cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), cho phép các khách hàng có hành vi nguy cơ cao có thể áp dụng để không bị nhiễm HIV. Khách hàng được tiếp cận, tư vấn theo cách thức không bị kỳ thị. Và những người quan hệ đồng tính nam hoặc người chuyển giới có thể đến đây và cảm thấy an toàn.
Bên cạnh đó phòng khám có mặt trên thành phố Phú Quốc, hòn đảo đón khách du lịch đông đúc. Nếu xét về khía cạnh kinh tế, tôi cho rằng việc ứng phó nhanh chóng và đảm bảo kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm HIV ở hòn đảo du lịch là vô cùng quan trọng.
Ở mọi khía cạnh, PEPFAR đang chứng kiến thành công ở Việt Nam. Bà có thể cung cấp một số thành tựu quan trọng nhất mà Việt Nam đến nay đã đạt được với sự hỗ trợ của PEPFAR?
Bà Susan Burns: Xét theo góc độ toàn cầu, Việt Nam đã kiểm soát HIV ở mức độ đáng kinh ngạc và thực sự là hình mẫu thành công của PEPFAR. Tôi đã trải qua nhiệm kỳ ở Ghana, Uganda cũng như những nơi khác nên tôi biết rằng những nước đó chưa kiểm soát được HIV. Thế nhưng, Việt Nam trên thực tế đang tiến rất gần đến năng lực kiểm soát bệnh. Đó là lý do tại sao ứng phó nhanh chóng trước chùm ca nhiễm lại quan trọng đến thế.
Rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải làm. Thế nhưng tôi vô cùng ấn tượng trước cách thức các cấp của y tế công cộng cùng tập trung ứng phó dịch bệnh, từ cấp quận huyện, tỉnh và cấp quốc gia. Và các bệnh viện tư nhân đang góp phần vào nỗ lực chung đó. Mọi mảnh ghép đều được đặt vào vị trí và phối hợp chặt chẽ với nhau.
Tôi cũng ấn tượng trước cách thức các bên trao đổi và ghi chép dữ liệu, điều mà không phải nơi nào cũng diễn ra. Và các đồng nghiệp của tôi làm việc cho PEPFAR ở những nơi khác đều biết khâu báo cáo ca nhiễm có tầm quan trọng đến mức nào.
Vì thế, tôi cho rằng Việt Nam đang sở hữu một số điều thật sự độc nhất vô nhị. Việc xây dựng một hệ thống y tế công cộng vô cùng mạnh mẽ cho thấy Việt Nam dành nhiều thời gian và công sức để gầy dựng trong một thời gian dài. Đó cũng là nền tảng cho quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Bạn biết đấy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã hoạt động ở Việt Nam suốt 25 năm qua, còn PEPFAR đã hỗ trợ 20 năm. Chúng ta thật sự xây dựng được những mối quan hệ hết sức lâu đời giữa hai nước.
Theo khía cạnh y tế công cộng, việc chia sẻ thông tin có lợi cho cả đôi bên, và Mỹ đã học được nhiều điều trong lúc hỗ trợ nỗ lực phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Các bạn xây dựng được một cơ sở hạ tầng y tế và thu thập dữ liệu chặt chẽ, và tôi có thể nói rằng có nỗ lực rất lớn trong việc thi hành các biện pháp giảm sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV.
Tôi chứng kiến các bạn triển khai mô hình các doanh nghiệp xã hội và những tổ chức cộng đồng tham gia vào nỗ lực chung. Nếu không tạo được sự tin tưởng và thuyết phục được những người có nguy cơ cao đồng ý đến cơ sở y tế xét nghiệm, các địa phương sẽ khó tìm được ca dương tính và thực hiện việc điều trị, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan HIV trong cộng đồng. Việc tiếp cận, chia sẻ thông tin và khuyến khích người có nguy cơ cao đi xét nghiệm là điều then chốt.
Tôi có thể nói rằng hiện Việt Nam có cả hai yếu tố mà nếu phối hợp tốt sẽ thực sự ngăn chặn được nguy cơ lan rộng HIV: cơ sở dữ liệu chặt chẽ giúp cập nhật thông tin nhanh chóng và cơ chế tìm kiếm các ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Mỹ và Việt Nam đang phối hợp như thế nào để tiến tới đạt được 3 mục tiêu 95-95-95 là: 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng của bản thân; 95% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% số người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế?
Bà Susan Burns: Tôi cho rằng mục tiêu trên đang ở trước mắt, và mọi thứ đang diễn ra rất tốt, đúng tiến độ. Trong 20 năm qua, PEPFAR đã hỗ trợ khoảng 900 triệu USD cho công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam. Con số năm nay là 37 triệu USD và PEPFAR vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, điều khiến tôi hết sức ấn tượng chính là hệ thống y tế Việt Nam đảm nhận trách nhiệm lớn lao trong việc triển khai các chương trình HIV. Theo tôi được biết, 92% số khách hàng nhận được thuốc ARV từ bảo hiểm y tế.
Việt Nam đang ở giai đoạn hệ thống cơ sở hạ tầng y tế có thể đáp ứng được những mục tiêu trên. Đối với tôi, đó đã là một câu chuyện thành công vang dội. Tôi cho rằng các bạn nên tự hào về những gì mình đã làm được. Tất nhiên trước mắt vẫn còn nhiều việc cần làm, nhưng Việt Nam đang ở vị thế rất tốt về khía cạnh kiểm soát HIV.
Đến nay, triển vọng để Quốc hội Mỹ tái ủy quyền thành công ngân sách cho PEPFAR (bao gồm hỗ trợ cho Việt Nam) vẫn còn mù mịt. Liệu Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cam kết triển khai chương trình y tế này?
Bà Susan Burns: Tôi đã làm việc cho chính phủ Mỹ suốt 25 năm qua. Tôi bắt đầu nhiệm kỳ ở Tây Phi, cụ thể là Ghana, vào thời điểm PEPFAR được khởi động dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush. Từ đó đến nay, chúng tôi trải qua các chính quyền của đảng Dân chủ, Cộng hòa, và tất cả đều ủng hộ PEPFAR.
Tôi cho rằng người Mỹ hết sức hãnh diện về chương trình PEPFAR và chúng tôi không nghĩ rằng đây là trở ngại về chính trị. PEPFAR luôn nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Tất nhiên vẫn phải chờ Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định về ngân sách cho PEPFAR, nhưng tôi luôn lạc quan rằng chương trình này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Trước cuộc phỏng vấn tôi có trao đổi về tình hình HIV/AIDS trong thập niên 1990 và so sánh những gì chúng ta đang có hiện nay. Thời ấy, chúng ta đã mất đi không ít con người tốt đẹp, và chúng ta luôn cần nhớ đến những ký ức đó, để thấy rằng, vào ngày 1.12 năm nay, thế giới đã đạt được tiến triển đến mức nào trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, để chúng ta thấy rằng luôn có "hy vọng".
Chúng ta cũng chứng kiến Việt Nam tiến triển đến mức độ nào trên cuộc hành trình dài. Các bạn đang gần chạm ngưỡng thực sự kiểm soát được HIV/AIDS.
20 năm PEPFAR
Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên và duy nhất nhận được sự tài trợ tập trung của PEPFAR. Mỹ đóng góp 46% tổng ngân sách phòng, chống HIV, với nguồn tài trợ bổ sung từ Quỹ Toàn cầu và các đối tác khác. Các nguồn lực của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã cùng nhau hỗ trợ trực tiếp 90% chi phí mua sắm ARV để điều trị cho khách hàng ở Việt Nam, mang lại cho những người sống chung với HIV một cơ hội mới để không chỉ sống sót mà còn phát triển. Hiện Việt Nam chuyển qua giai đoạn phối hợp công-tư trong phòng chống HIV/AIDS. Ông Eric Dziuban, Giám đốc CDC tại Việt Nam, đề cập đến bước chuyển mới về tình hình HIV tại Việt Nam, theo đó lây lan đang diễn ra ở cộng đồng sinh hoạt đồng tính nam và vô cùng trẻ. Vì thế Việt Nam đang tập trung ứng phó trước diễn biến mới.
Bình luận (0)