Viettel là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Campuchia
Tháng 5.2006, Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel) đầu tư 100% vốn thành lập Viettel Cambodia và nhận giấy phép cung cấp dịch vụ VoIP tại Campuchia. Đến năm 2009, công ty chính thức khai trương mạng viễn thông tại Campuchia với thương hiệu Metfone.
Mạng Metfone của Viettel đầu tư đang dẫn đầu thị trường viễn thông tại Campuchia |
VT |
Đây là thương hiệu đầu tiên của Viettel được “xuất khẩu” ra nước ngoài và là mạng viễn thông đầu tiên của một doanh nghiệp VN trực tiếp đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài. Đến giữa năm 2010, Metfone là nhà mạng đầu tiên tại Campuchia tuyên bố khai trương cung cấp dịch vụ 3G và đến tháng 5.2018 cũng là nhà mạng đầu tiên trong số các thị trường quốc tế của Viettel cung cấp công nghệ 4, 5 G LTE…
Mạng Metfone của Viettel đầu tư đang dẫn đầu thị trường viễn thông tại Campuchia. Trong ảnh: Nhân viên Metfone tư vấn cho khách hàng |
VT |
Bước đi của Metfone khá thần tốc. Báo cáo của Viettel cho thấy năm 2021, trong bối cảnh thị trường viễn thông Campuchia đã bão hòa, môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, Metfone vẫn giữ vững vị trí số 1 tại thị trường này. Hiện Metfone có 9 triệu khách hàng, nắm gần 42% thị phần viễn thông ở nước sở tại. Metfone tự hào khi là nhà mạng có hạ tầng mạng lưới di động lớn nhất, giúp đưa Campuchia trở thành một trong các nước có vùng phủ và tốc độ 4G tốt nhất Đông Nam Á.
Công ty đã tạo việc làm cho gần 30.000 lao động. Đồng thời, nhà mạng này đã góp phần tiên phong chuyển đổi số cho Chính phủ và bộ ban ngành Campuchia hay dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính số như ví điện tử E-money với hơn 800.000 thuê bao sử dụng thường xuyên, kết nối liên thông tới tất cả các ngân hàng, tạo sự tiện dụng cho người dân trong các dịch vụ tài chính và thanh toán. Metfone cũng tham gia nhiều hoạt động tài trợ và thiện nguyện tại Campuchia...
“Viettel đã đầu tư vào Campuchia được 16 năm và hiện là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Campuchia. Hoạt động đầu tư của Viettel tại Campuchia không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn là cầu nối cho tình hữu nghị giữa VN - Campuchia. Bởi vậy, chúng tôi luôn mang đến những gì tốt nhất, chân thành nhất tới người dân và đất nước Campuchia”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, chia sẻ.
Chuỗi cửa hàng Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia |
T.Phong |
Trong khi đó, Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã mở chuỗi cửa hàng bán lẻ các thiết bị điện thoại di động sang thị trường Campuchia. Từ giữa năm 2017, siêu thị đầu tiên của Thế Giới Di Động tại Campuchia chính thức được khai trương mang tên BigPhone. Lãnh đạo công ty này đã từng chia sẻ, nếu việc mở cửa hàng này thành công thì công ty mới bàn đến chuyện mở rộng ở các thị trường khác. Sau đó, chuỗi BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy.
Theo ông Trần Nguyên Trực, Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường Campuchia thuộc Thế Giới Di Động, tính đến tháng 10.2022, chuỗi Bluetronics có 31 cửa hàng đang hoạt động. Doanh thu của chuỗi tăng trưởng theo từng năm, tính đến hết tháng 9.2022 đã tăng trưởng hơn 10% so với cả năm 2021. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn như cạnh tranh về giá ở thị trường này rất khốc liệt nhưng Campuchia là thị trường đang tăng trưởng và phát triển rất nhanh, đặc biệt là Phnom Penh. Thời gian tới, công ty này vẫn tập trung vào thị trường lớn như Phnom Penh và tiếp tục tinh gọn, cơ cấu chuỗi cửa hàng để tối ưu chi phí, hiệu quả hơn.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp và dự án từ VN đã đầu tư vào Campuchia thời gian qua. Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp của VN ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó có dự án Công ty TNHH đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD. Tổng cộng đến hiện nay, VN có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,9 tỉ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Khuyến khích đầu tư, thương mại song phương
Ngoài đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN và Campuchia cũng đang gia tăng. Năm 2021, thương mại hai chiều đạt gần 10 tỉ USD, tăng 79,1% so với năm 2020. Từ tháng 1 - 9.2022, thương mại hai chiều đạt 8,45 tỉ USD.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, đánh giá: Campuchia là một địa bàn hấp dẫn đầu tư trực tiếp của VN cả trước mắt và lâu dài. Với quy mô dân số gần 17 triệu người và con số này đang tăng đã tạo tổng cầu tiêu thụ hàng hóa cũng như thu hút FDI rất lớn. Bên cạnh vị trí láng giềng giúp tiết giảm chi phí di chuyển, sự hiểu biết sâu sắc và tương đồng chính sách, tin tưởng lẫn nhau, sự thân thiện cũng là động lực kết nối và mở rộng quan hệ nhiều lĩnh vực song phương. Vì thế, doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế khi đầu tư vào Campuchia. Trong Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), nhằm tạo điều kiện để khuyến khích và bảo hộ lợi ích nhà đầu tư lâu dài, có nhà đầu tư VN tại Campuchia.
Ông Lạng nhấn mạnh: “Các lĩnh vực đầu tư của VN vào Campuchia cần tăng cường với tiềm năng rất lớn và VN có thế mạnh nổi trội như du lịch xuyên biên giới, sản xuất nông sản, dệt may để tận dụng lao động Campuchia giá trung bình thấp hơn VN, xây dựng, cung cấp phần mềm, viễn thông. Ngoài ra, Campuchia vừa ký hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, nên đầu tư sản xuất tại Campuchia cũng có thể tạo bàn đạp đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc những mặt hàng có lợi thế của VN”.
Theo ông, song song đó, Campuchia vẫn được hưởng ưu đãi phổ cập (GSP) của EU nên đầu tư tại Campuchia để tăng cơ hội xuất khẩu sang EU là kênh thương mại tốt. Campuchia có thể là cầu nối trung gian tạo giá trị lớn cho nhà đầu tư VN để vươn sang thị trường thứ 3. Do đó, trong khuôn khổ hợp tác, nên mở rộng cao nhất và cộng đồng doanh nghiệp VN cần chủ động, tích cực kết nối, hợp tác phân tích cơ hội, nắm bắt xu hướng kịp thời, hiệu quả.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng trong quá trình hội nhập, bên cạnh thúc đẩy quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu thì đầu tư ra nước ngoài để tăng lợi thế thương mại, vị thế cạnh tranh là rất quan trọng. Nguyên tắc nữa là khi một quốc gia có năng lực về vốn mạnh hơn sẽ đầu tư vào những thị trường đang cần vốn đầu tư cũng như “lấp đầy” mảng họ đang cần. Như vậy, việc doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài, chọn Campuchia để đầu tư là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tại Campuchia, các nhà đầu tư Việt tìm thấy ở đó một sân chơi bổ sung cho những gì họ đang làm trong nước nhằm khai thác hiệu quả việc đầu tư sản xuất kinh doanh. Hiện, đầu tư ra khu vực ASEAN, vốn của doanh nghiệp Việt đều có tại Campuchia, Lào, Myanmar…
Trong đó, tại Campuchia, dòng vốn Việt mạnh nhất đổ vào khai khoáng, dịch vụ viễn thông, nông nghiệp… Ngoài ra, các dự án về công nghệ, cao su, cà phê… của doanh nghiệp Việt đầu tư tại Campuchia đã thành công, chuyển lợi nhuận về nước, sẽ góp phần rất lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối. Vì thế, việc điều hành vĩ mô cần chú trọng yếu tố nào, dự án nào có lợi cho gia tăng thương mại và tốt cho doanh nghiệp, nền kinh tế cần khuyến khích.
Gần đây, một số doanh nghiệp, tập đoàn có trình độ cao về công nghệ số, công nghệ thông tin… đang rất chú trọng đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh việc tận dụng nền tảng phát triển tại các nước có nền công nghệ số phát triển như Mỹ, Singapore, Nhật Bản… thì những thị trường thấp hơn như Campuchia vẫn tạo lợi thế cho doanh nghiệp Việt khi họ là những nhà đầu tư đi đầu phát triển dịch vụ công nghệ số thị trường này.
TS Võ Trí Thành
Bình luận (0)