Việt Nam là trọng tâm trong 'chính sách hướng Đông' của Ấn Độ

Mai Hà
Mai Hà
(từ New Delhi, Ấn Độ)
31/07/2024 17:39 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất ấn tượng với tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016: 'Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ'.

Thông điệp này được người đứng đầu Chính phủ đưa ra trước hàng trăm doanh nghiệp tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trưa 31.7 (giờ địa phương), trong chương trình chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ.

Việt Nam là trọng tâm trong 'chính sách hướng Đông' của Ấn Độ- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp Ấn Độ tại thủ đô New Delhi sáng 31.7

NHẬT BẮC

Tại diễn đàn, ông Jitin Prasada, Bộ trưởng phụ trách Thương mại và công nghiệp Ấn Độ, cho biết cộng đồng doanh nghiệp hai nước có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư lâu dài. Cả Việt Nam và Ấn Độ đang tập trung vào công nghiệp sản xuất và có vai trò ngày càng cao trong kinh tế thế giới.

"Hai nước có thể học hỏi mô hình phát triển của nhau, thúc đẩy liên kết cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Nhiều công ty IT, ngân hàng, các công ty sản xuất lớn của Ấn Độ cũng kinh doanh thành công tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này của Thủ tướng có đoàn doanh nghiệp Việt Nam đông đảo tham gia, hy vọng sẽ thiết lập được mối quan hệ để tìm hiểu cơ hội thị trường của nhau", ông Jitin Prasada cho hay.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi gây dựng và vun đắp.

Trải qua hơn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016 đã mở ra không gian hợp tác mới. Trong đó, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại đã trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Thủ tướng cho biết ông rất ấn tượng với tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 3.9.2016, trước Hội nghị thượng đỉnh G20 rằng: "Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ" và "quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu".

Việt Nam là trọng tâm trong 'chính sách hướng Đông' của Ấn Độ- Ảnh 2.

Thủ tướng cho biết hợp tác kinh tế thương mại đã thành trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước

NHẬT BẮC

Theo Thủ tướng, giữa hai nước có 5 yếu tố nền tảng rất quan trọng để các doanh nghiệp hai bên tiếp tục hợp tác với sự tin cậy cao, thành công, hiệu quả, góp phần cho quan hệ hai nước. Cụ thể là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh tương đồng; ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Nhắc lại các thành tựu trong thu hút FDI của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước...

Việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là trọng tâm, cầu nối trong chính sách "Hành động hướng Đông" đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao như công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm…

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối thoại, kết nối đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy, triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỉ USD trong thời gian tới.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được thị trường Ấn Độ và sớm mở thêm đường bay thẳng giữa hai nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng chứng kiến lễ công bố đường bay Đà Nẵng (Việt Nam) - Ahmedabad (bang Gunjarat, Ấn Độ) dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10 tới và đón hành khách thứ 200 triệu. Đồng thời, chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Adani về hợp tác trong lĩnh vực hàng không, sân bay và logistics, biên bản giữa Vietnam Airlines và Innovations India về tổ chức lễ hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 3, biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Ramky hợp tác về khu công nghiệp dược phẩm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.