Theo đó, bà Hằng khẳng định, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước luật biển quốc tế 1982”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có sang thăm Việt Nam bên lề Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 4 - 5.6 tới, sau cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, bà Hằng nói:
Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong thời gian qua đang duy trì đà phát triển trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh và quốc phòng. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, hai bên Việt Nam và Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương qua các kênh trao đổi khác nhau, tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vắc xin Covid-19
Liên quan đến việc Việt Nam đã xúc tiến được thêm gì trong nỗ lực tìm kiếm vắc xin Covid-19 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vắc xin này, bà Hằng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh, thì Việt Nam cũng đã rất nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng trên thế giới để sớm nhập khẩu vắc xin để sử dụng trong nước.
Cho đến nay, thì Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn cung cấp vắc xin, đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX facility và từ nhà sản xuất cung cấp vắc xin AstraZeneca. Hiện nay Việt Nam cũng đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên.
Ngoài nguồn cung cấp vắc xin nhập khẩu thì Việt Nam đang thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể sẽ được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn, đảm bảo bảo đảm an ninh y tế và chủ động ứng phó khi có các đại dịch xảy ra trong tương lai.
Đồng thời, để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, thì Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vắc xin Covid-19 để các loại vắc xin sớm có thể được phổ biến rộng rãi tất cả các nước trên thế giới.
Bình luận (0)