Việt Nam mở cửa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

30/08/2016 09:30 GMT+7

Trừ một số ngành liên quan đến quốc phòng và an ninh, VN không hạn chế sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước các nhà đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp VN - Singapore hôm qua 29.8, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đảo quốc sư tử kéo dài 3 ngày. Diễn đàn do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) đồng tổ chức.
Phát biểu trước đại diện khoảng 250 doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước cho hay Singapore là đối tác lớn về thương mại, du lịch, vận tải quốc tế, giáo dục, đào tạo, y tế của VN trong khu vực ASEAN, và là đối tác đầu tư lớn thứ 3 của VN với 1.664 dự án có tổng vốn trên 38 tỉ USD. Ông cũng nhìn nhận các nhà đầu tư Singapore đã có mặt tại VN từ rất sớm và tích cực tham gia vào sự tăng trưởng của nền kinh tế VN, mà biểu tượng thành công là các khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) do Tập đoàn công nghiệp SembCorp đầu tư. Hiện đã có 7 VSIP trải dài trên 3 miền VN và VSIP thứ 8 đang được tính đến.
Với mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập năm 2013 lên tầm tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi Singapore tăng cường đầu tư vào VN; mở cửa thị trường cho nông sản, hàng tiêu dùng, hàng điện tử và linh kiện của VN; và mở các tuyến bay thương mại đến các điểm du lịch của VN nhằm nâng lượng du khách giữa hai nước lên 1 triệu người/năm trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch nước cũng khuyến khích nhà đầu tư Singapore tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOE) VN.
“Không hạn chế”


Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN - Singapore chiều qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa VCCI và SBF; Bản thỏa thuận về việc Quỹ đầu tư hợp tác của chính phủ Singapore (GIC) mua 7,73% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN (Vietcombank).

Cụ thể về mảng đầu tư cổ phần hóa SOE, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi ý hình thức mua bán và sáp nhập (M&A). Với lộ trình giảm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước xuống con số dưới 200 đến năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn một loạt doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng. “Đây là thời điểm quan trọng có tính quyết định để các doanh nghiệp Singapore có thể tham gia M&A đối với các SOE lớn cũng như với nhiều doanh nghiệp tư nhân đang tìm kiếm đối tác chiến lược trong các ngành nêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Ông chỉ ra các khâu lợi thế mà doanh nghiệp Singapore có thể bổ trợ cho phía VN trong tư cách đối tác chiến lược, đó là chuyển giao công nghệ mới, nâng cao giá trị thương hiệu và năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển thị trường tiêu thụ.
Gợi ý của Chủ tịch nước và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thu hút sự quan tâm lớn. Tổng giám đốc SBF, ông Ho Meng Kit, nói rằng các nhà đầu tư “rất hào hứng” với chủ trương này. “Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại VN gần đây cho thấy 53% doanh nghiệp tham gia trả lời cho rằng đây là tiềm năng lớn cho hoạt động M&A của họ”, ông Ho nói và đề nghị được biết về quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong SOE sau cổ phần hóa. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời: “Ngoài một số ngành liên quan đến quốc phòng và an ninh, hoặc các ngành đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế chúng tôi có quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhất định, còn lại không hạn chế”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết chủ trương của VN là giảm tỷ trọng SOE trong nền kinh tế xuống mức khoảng 15%.
Môi trường tốt nhất
Bên cạnh vấn đề cổ phần hóa SOE, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra 2 lĩnh vực khác VN đang ưu tiên và nhà đầu tư có cơ hội lớn, đó là thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), và hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng. Ông cho biết VN dự kiến sẽ sớm xây dựng và thông qua luật hỗ trợ SME và đề xuất phương án kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa VN và Singapore.
Riêng với lĩnh vực PPP trong phát triển hạ tầng, khuôn khổ pháp lý đã được hình thành, cho phép nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt và cơ chế thông thoáng. “Vốn đầu tư nước ngoài chỉ chảy về nơi có môi trường đầu tư tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đúc kết và khẳng định VN sẽ tạo môi trường tốt nhất đồng hành cùng nhà đầu tư để có thể trở thành ngôi nhà thứ hai của họ.
Tăng cường hợp tác mọi mặt
Sáng qua, sau lễ đón chính thức của nước chủ nhà tại dinh Istana, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Tony Tan Keng Yam, Thủ tướng Lý Hiển Long, dự bữa trưa thân mật với Thủ tướng Lý và quốc yến vào buổi tối do Tổng thống Tony Tan chiêu đãi. Thông cáo chung do Bộ Ngoại giao Singapore phát vào đêm qua cho hay, tại các cuộc hội đàm, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề nghị VN đẩy nhanh việc cấp giấy phép hoạt động cho Ngân hàng UOB của Singapore nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ tài chính đối với các doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng Lý cũng đề nghị VN cấp giấy phép bay thứ 5 cho các hãng hàng không Singapore mở các đường bay đến các thành phố lớn của VN thông qua Thỏa thuận dịch vụ hàng không giữa hai nước. Ông cũng khẳng định sẽ ủng hộ và hỗ trợ VN tổ chức thành công Hội nghị cấp cao của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. Trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng, hai bên nhất trí tăng cường các hợp tác đang có và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đảm bảo tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở đây. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những nỗ lực của Singapore trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong thời gian qua.
Trước đó trong buổi sáng, Chủ tịch nước và phu nhân đã dự lễ đặt tên một loài hoa lan theo tên ghép của ông bà là Hiền Quang, tại vườn lan quốc gia trong Thảo viên Singapore.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.