Chiều 14.5, tại buổi họp báo thường kỳ bằng hình thức trực tuyến của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc hãng ảnh vệ tinh ISI công bố hình ảnh chụp đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và KQ-200 tại đây - một động thái nữa cho thấy nước này đang muốn gia tăng kiểm soát tại khu vực và quân sự hóa Biển Đông; và phản ứng của Việt Nam về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.
Do đó, bà Hằng nhấn mạnh: "Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị".
“Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
|
Trước đó, những hình ảnh vệ tinh do ISI công bố cho thấy, các máy bay quân sự của Trung Quốc một lần nữa xuất hiện tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo thành căn cứ quân sự.
Đá Chữ Thập là nơi tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc và các tàu hộ tống trở về để nghỉ và thực hiện công tác hậu cần trong gần 4 tháng khảo sát trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm ngoái.
Đây được cho là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc được ghi nhận tại khu vực. Trước đó, máy bay vận tải quân sự Y-8 và máy bay tuần tra hàng hải KQ-200 cũng xuất hiện trên đá Chữ Thập vào ngày 3.5.
KJ-500 là máy bay cảnh báo và kiểm soát sớm trên không thế hệ thứ ba, được sử dụng bởi Không quân Trung Quốc. Nó được chế tạo bởi Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thiểm Tây, và dựa trên khung máy bay Y-9. Máy bay này có phạm vi hoạt động 5.700 km.
Máy bay tuần tra biển KQ-200 (còn được gọi là Y-8Q hoặc GX-6 hoặc Cao Tân 6) hạng trung, cũng do Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thiểm Tây sản xuất, có phạm vi hoạt động 5.000 km.
Trái với các cam kết không quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp, xây dựng trên đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự. Trung Quốc đã làm sân bay, trong đó có nhà chứa với sức chứa nhiều máy bay chiến đấu, thiết lập một trạm quan trắc sinh thái trên đảo vào tháng 1 vừa qua, một trạm nghiên cứu dưới biển sâu vào tháng 3 và đã đồn trú vĩnh viễn cho lực lượng Cứu hộ Trung Quốc trên đá Chữ Thập từ tháng 2.
Bình luận (0)